Kiểm soát súng đạn ở Mỹ: Câu chuyện không mới

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn đề kiểm soát súng đạn, một chủ đề đã cũ ở Mỹ, song nóng trở lại ngay sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu khiến 17 người thiệt mạng tại trường trung học Stoneman Douglas (Parkland, bang Florida, Mỹ) hôm 14/2 vừa qua.

 Học sinh trường trung học Coral Glades (Mỹ) xuống đường tuần hành kêu gọi kiểm soát súng đạn hôm 21/2.
Những ngày gần đây, khắp các đường phố trên toàn nước Mỹ, đông đảo học sinh, sinh viên đã xuống đường tuần hành để kêu gọi kiểm soát súng và ngăn chặn bạo lực do súng đạn. Đây là phản ứng của giới học sinh, sinh viên Mỹ sau vụ thảm sát kinh hoàng tại trường trung học ở miền Nam Florida. Giới sinh viên tập trung biểu tình bên ngoài Nhà Trắng tại Washington DC, hô vang các khẩu hiệu yêu cầu chính phủ ban hành luật kiểm soát súng. Các sinh viên cho rằng chính phủ không hành động, trong bối cảnh các vụ thảm sát tại các trường học đã trở nên phổ biến tại đất nước này. Nhiều sinh viên lo sợ mình có thể là nạn nhân tiếp theo của tình trạng thảm sát trong trường học.

Giới chuyên gia nhận định, điểm khác căn bản nhất giữa vụ xả súng ở Florida và các vụ trước đây diễn ra ở Mỹ là làn sóng lần này thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên. Chưa biết liệu những phong trào này có tạo ra những chuyển biến mới về kiểm soát súng hay không, nhưng chắc chắn nó sẽ khơi mào cho những cuộc tranh luận thực chất hơn về vấn đề này trong chính trị Mỹ.

Nước Mỹ giữ kỷ lục thế giới về sở hữu súng trong dân từ 270 - 310 triệu khẩu, với khoảng 30.000 người thiệt mạng vì súng đạn kể cả các vụ tự sát xảy ra mỗi năm tại Mỹ. Mỗi bang có quy định riêng về sở hữu vũ khí, nhưng chỉ liên quan tới các đại lý được cấp phép và thợ sửa súng, còn lại 40% giao dịch tư nhân không bị ảnh hưởng. Do đó, một lần nữa thảm họa xả súng tại Florida lại gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng sử dụng súng kinh hoàng tại Mỹ.

Tại Nhà Trắng hôm 21/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng, ông đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu Bộ Tư pháp nhanh chóng soạn thảo luật cấm tất cả các thiết bị "độ súng" giúp chuyển đổi những khẩu súng bán tự động thành súng tự động có khả năng bắn nhanh. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong nỗ lực kiểm soát súng đạn ở Mỹ bởi người đứng đầu Nhà Trắng vốn là người luôn bảo vệ quyền sở hữu súng đạn trong chiến dịch tranh cử của mình và kể cả khi nhậm chức người đứng đầu nước Mỹ.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, những động thái ban đầu này của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đi đúng theo xu hướng dư luận, nhưng chắc chắn sẽ không đủ. Bởi câu chuyện kiểm soát súng ở Mỹ gắn với quyền tự vệ bản thân đã được quy định trong hiến pháp. Động thái trên chỉ có thể tạo ra được những chuyển biến thực chất khi Quốc hội vào cuộc với những dự luật cụ thể. Tuy nhiên, những quyết sách, khuyến nghị của Tổng thống với tư cách người đứng đầu Đảng Cộng hòa vốn đang nắm thế đa số tại lưỡng viện của Quốc hội Mỹ cũng có những tác động mạnh tới chiều hướng của vấn đề. Đó có thể là những điều chỉnh mà chính quyền có thể làm ngay theo thẩm quyền hành pháp và cũng có thể là những khuyến nghị để Quốc hội thảo luận dự luật nhằm hạn chế bạo lực từ súng đạn.