Kiểm soát từ gốc chất lượng nông sản xuất khẩu

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng được xem là giải pháp ưu tiên số 1 để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước đã cấp được gần 7.000 mã số vùng trồng. Các mã số vùng trồng này đều đã được các nước nhập khẩu chấp nhận, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Mặc dù vậy, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng mới chỉ đạt 40,8%. Con số này quá thấp so với yêu cầu thực tế cần phải giám sát hằng năm.

Thu hoạch thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lam Thanh
Thu hoạch thanh long tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lam Thanh

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT và các địa phương vẫn nhận được những thông báo không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các lô hàng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Bộ NN&PTNT đánh giá, nếu tình trạng vi phạm này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Đối với thị trường Trung Quốc, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) Hoàng Khánh Duy cho biết, quốc gia này ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này.

“Trong quá trình kiểm hóa, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía nước bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có ở mặt hàng quả ớt của Việt Nam…” - ông Hoàng Khánh Duy thông tin thêm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, hiện nay Bộ đang đề xuất với Chính phủ xây dựng 2 nghị định, trong đó có 1 nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; một nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Bộ NN&PTNT sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý, để tới đây, tất cả các mặt hàng nông sản nếu được thu mua từ những khu vực có mã số vùng trồng đều phải bảo đảm chất lượng, không bị nhiễm vi sinh vật gây hại, không vi phạm về an toàn thực phẩm và được chuẩn hóa về bao bì mẫu mã.

Điều này là rất quan trọng đối với mục tiêu xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng, các thị trường khác nói chung.