Kiên Giang: 500ha tôm, cua chết do hạn mặn tăng cao

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn gia tăng khiến nhiều địa phương ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề do tôm, cua chết hàng loạt. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thủy sản cũng khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

500ha tôm, cua thiệt hại do hạn, mặn

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị tại xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) nhiều gia đình nuôi tôm, cua trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn vì thời tiết thất thường, nhiều gia đình thiệt hại nặng nề do tôm, cua chết.

Kiên Giang hơn 500ha nuôi tôm, cua bị ảnh hưởng do nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài. (Ảnh Hữu Tuấn)
Kiên Giang hơn 500ha nuôi tôm, cua bị ảnh hưởng do nắng nóng, xâm nhập mặn kéo dài. (Ảnh Hữu Tuấn)

Ông Nguyễn Văn Hồ, ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, cho biết, gia đình ông có nuôi 1,5ha tôm, cua. Nghề này đã theo gia đình ông mười mấy năm nay. Từ năm 2015-2016 cho đến hiện tại thì đây là đợt hạn, mặn kéo dài nhất và diễn biến thất thường. Nhiệt độ ban ngày lên tới 40 độ, nắng gắt, ban đêm lại lạnh và gió. Chưa kể xâm nhập mặn tăng cao, độ mặn đo được từ 20‰ đến 40‰, ao nuôi đóng rong, phèn do nhiễm mặn.

Clip: Tôm, cua chết vì do nắng nóng và xâm mặn trên địa bàn huyện An Biên. 

Ông Hồ cũng chia sẻ thêm, gia đình ông thả 20.000 con tôm giống, khoảng 50 ngày tuổi thì thấy tôm chết, nổi lờ đờ trên mặt nước, vớt lên tôm trong tình trạng đỏ mình, đen chân. Đo độ mặn thì phát hiện vượt ngưỡng, gia đình cố gắng thu hoạch để bán mong thu hồi lại ít vốn.

Đồng cảnh ngộ với gia đình ông Hồ, ông Mạc Hoàng Đâu cũng bị thiệt hại, có 2ha nuôi tôm, cua nhưng nuôi được 1 tháng rưỡi thì bắt đầu phát hiện tôm, cua bị chết.

Độ mặn tại các ao nuôi tôm lên tới 40‰ khiến tôm chết hàng loạt. (Ảnh Hữu Tuấn)
Độ mặn tại các ao nuôi tôm lên tới 40‰ khiến tôm chết hàng loạt. (Ảnh Hữu Tuấn)

“Nắng nóng, 35 độ, mặn tăng cao thì tôm, cua nào chịu nổi. Người dân ở đây ai cũng bị thiệt hại, giờ chỉ trong trời mưa để rửa mặn, xử lý rong, để thả vụ mới” ông Đâu cho hay.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện An Biên cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 500ha diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại. Tập trung nhiều ở các xã Nam Yên, Nam Thái, Nam Thái A… trong đó xã Nam Thái A là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, có hơn 100 ha bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A cho biết: Hầu như gia đình nào nuôi tôm, cua cũng thiệt hại do ảnh hưởng nắng, nóng, xâm nhập mặn. Người dân hi vọng hệ thống cống ở địa bàn sớm được hoàn thiện để kịp thời đóng mở, ngăn tình trạng xâm nhập mặn, giữ ngọt giúp ổn định nuôi trồng, sản xuất, giảm thiệt hại”.

Ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu

Ông Trang Minh Tú - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Biên cho biết: Đến cuối tháng 3, toàn huyện có hơn 25.700ha diện tích nuôi tôm thả. Thời tiết diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao, nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đã làm thiệt hại hơn 500ha; trong đó có 5,2 ha bị bệnh do đốm trắng. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm và cấp cho các hộ dân 410kg Chlorine để xử lý tạm thời.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn rất nặng. (Ảnh Hữu Tuấn)
Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn rất nặng. (Ảnh Hữu Tuấn)

Trước tình trạng tôm, cua chết hàng loạt ngành chức năng địa phương cũng khuyến cáo người dân sớm thu hoạch số tôm, cua còn lại để tránh có thêm thiệt hại.

Đồng thời tăng cường hỗ trợ cho bà con về mặt kỹ thuật để hướng dẫn về cải tạo quy trình làm sao thu hoạch kịp thời, hạn chế thiệt hại lớn. Cải tạo và chăm sóc sức khỏe lại cho tôm để cho đảm bảo năng suất cũng như sản lượng.

Độ mặn thích hợp cho nuôi tôm dao động từ 10 - 20‰ thì tôm phát triển tốt, độ mặn tăng cao thì cần có giải pháp về kỹ thuật để làm sao tăng cường sức khỏe cho tôm nuôi, cải tạo lại ao để giảm bớt độ mặn.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cho biết, do tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tăng cao, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, mặc dù doanh nghiệp tăng giá từ 5-10% nhưng vẫn không có hàng. Ảnh hưởng đến nguồn hàng cung cấp cho đối tác, doanh nghiệp phải gia hạn với đối tác về nguồn hàng đang bị thiếu.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 3 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng tôm các loại bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng đạt 21.742 tấn. Sản lượng tôm nuôi trồng giảm do hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao và dịch bệnh, khiến diện tích nuôi tôm giảm mạnh so với thời điểm trước đó.

Theo Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2024 đến nay thời tiết diễn biến phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày/đêm cao cùng với nước mặn xâm nhập vào kênh mương một số khu vực đã gây thiệt hại hơn 700 ha nuôi tôm, cua nước lợ, tập trung chủ yếu ở các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Địa phương đã điều chỉnh lịch thời vụ thả giống; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong dự báo tình hình để vận hành hệ thống cống điều tiết nước để hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng.