Kiên quyết ngăn chặn đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài hợp pháp.

Tuy nhiên, hoạt động di cư bất hợp pháp vẫn có xu hướng gia tăng và đã hình thành các đường dây tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp quốc (UNDOC), khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, được đánh giá là “điểm nóng” của tình trạng đưa người di cư bất hợp pháp, mua bán người.

Các đối tượng tổ chức đưa đón người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị bắt giữ tại Đồn Biên phòng Ngọc Côn, Cao Bằng, tháng 7/2022. Ảnh: Huy Dương
Các đối tượng tổ chức đưa đón người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị bắt giữ tại Đồn Biên phòng Ngọc Côn, Cao Bằng, tháng 7/2022. Ảnh: Huy Dương

Qua rà soát, hiện có khoảng hơn 40.000 người Việt Nam đang cư trú, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước châu Âu, Mỹ, Canada...

Tại nước đến, những người di cư được đưa vào làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, công trường, xưởng may “đen”, cơ sở trồng cần sa…

Trong thực tế, các đường dây tội phạm không chỉ tổ chức đưa người di cư trái phép mà còn lợi dụng nhu cầu, sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của người di cư, sự thiếu hiểu biết, vị thế bấp bênh của họ để tiến hành hoạt động mua bán người, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, chủ yếu đưa sang Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Nga, Đài Loan, Ma Cao, một số nước châu Âu…

Dù biết rất rõ việc tổ chức đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp là vi phạm pháp luật, song nhiều đối tượng vẫn làm liều. Trong năm 2022, nhiều phiên tòa đã diễn ra, xét xử các đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Trong đó, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự xét xử các bị cáo: Kang Joon Ho (sinh năm 1948, quốc tịch Hàn Quốc), Phạm Văn Sang (sinh năm 1980, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) và Trịnh Bá Huy (sinh năm 1986, ở xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị truy tố về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Các bị cáo khai đã từng tổ chức cho 6 người khác xuất cảnh đi Hàn Quốc từ TP Hồ Chí Minh đến Jeju bằng hình thức du lịch, sau đó trốn ở lại lao động trái phép.

Vụ việc tương tự, bị cáo Thân Cương (sinh năm1981, trú tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Cương đã 2 lần tổ chức cho 15 người đi từ Hà Tĩnh vào Cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) để trốn qua Thái Lan.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, việc công dân xuất cảnh trái pháp luật sang nước ngoài làm việc là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước sở tại. Nguyên nhân chính khiến hiện tượng này gia tăng, chủ yếu do đời sống của người dân gặp khó khăn, thiếu việc làm.

Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết về pháp luật, thông tin thị trường… của lao động còn hạn chế. Vì vậy, khi các đối tượng “cò” lao động tiếp cận, vẽ ra viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao” khi sang làm việc ở nước ngoài thì nhiều người đã sập bẫy.

Đối với những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, hành vi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tùy theo mức độ tăng nặng của hành vi mà mức xử phạt sẽ gia tăng. Hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 15 tù.