Kinh doanh Airbnb có vi phạm pháp luật không?

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi đang có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb tại TP Hà Nội.

"Qua tìm hiểu một số thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông được biết, thời gian gần đây có rất nhiều ý kiến cho rằng việc kinh doanh theo hình thức này đang làm ảnh hưởng không tốt đến các sản phẩm dịch vụ lưu trú truyền thống. Vậy xin hỏi việc kinh doanh Airbnb tại Việt Nam có vi phạm pháp luật không? " - Nguyễn Lan Anh, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội

Chị Lan Anh thân mến!
Airbnb là một sản phẩm công nghệ, cung cấp dịch vụ lưu trú ngắn ngày, là một mô hình kết nối giữa người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên toàn thế giới thông qua ứng dụng di động. Tính đến hết năm 2018, Airbnb đã có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2015, Airbnb chính thức có mặt ở Việt Nam và chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình này đã thu hút hàng vạn người tham gia cung cấp dịch vụ. Theo đánh giá, kinh doanh theo hình thức Airbnb không phải mất quá nhiều vốn đầu tư, người cung cấp sản phẩm có thể thuê một hoặc một số căn hộ, mua một số trang thiết bị nội thất là đã có thể kinh doanh. Nhưng trên thực tế, không phải ai kinh doanh loại hình dịch vụ này cũng thu được thành công, đặc biệt là những người phải đi thuê lại căn hộ để kinh doanh, người không có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch - khách sạn.
Đến thời điểm hiện tại, trong các văn bản luật của Việt Nam chưa có điều khoản nào cấm sự hoạt động của loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình Airbnb. Tuy nhiên, Nhà nước đã có văn bản hướng dẫn chính sách thuế và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của những website đặt phòng được áp dụng tại Công văn 848/BTC-TCT của Bộ Tài chính ban hành ngày 18/1/2017. Kèm theo đó là Thông tư số 103/2014/TT-BTC quy định về cơ sở lưu trú ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài trong trường hợp khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú tại Việt Nam hoặc cơ sở lưu trú thông báo cho nhà thầu nước ngoài biết nghĩa vụ thuế và khai, nộp thuế nhà thầu thay cho nhà thầu nước ngoài nếu khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho nhà thầu nước ngoài sau đó nhà thầu nước ngoài chuyển tiền phòng cho cơ sở lưu trú.
Vì vậy, nếu gia đình chị có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lưu trú Airbnb chỉ cần khai báo chi tiết với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thuế là có thể bắt tay ngay vào kế hoạch kinh doanh của mình.