Kinh doanh thương mại điện tử, những thách thức đang chờ

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang là một xu hướng nhưng không còn "dễ ăn" như trước. Trong quý III vừa qua, khoảng 50.000 gian hàng trên các sàn TMĐT đã đóng cửa (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước), phần lớn là các nhà bán lẻ, không chuyên nghiệp.

Chi phí bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT rất cao, thường chiếm trên 40% giá bán sản phẩm. Ảnh AT
Chi phí bán hàng trực tuyến trên các sàn TMĐT rất cao, thường chiếm trên 40% giá bán sản phẩm. Ảnh AT

Tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT quý III đều tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thật sự chuyên nghiệp và có đầu tư lớn cho việc bán hàng. Nhưng những nhà bán hàng không có chiến lược kinh doanh, không tìm hiểu kỹ thị trường trước khi nhập hàng/sản xuất, chưa kiểm soát được chi phí lại đang gặp muôn ngàn khó khăn. 

Chính sách các sàn thay đổi

Nếu như trước đây, các sàn TMĐT thường miễn phí 100% cho các nhà bán lẻ ngoài ra còn tặng mã giảm giá đơn hàng, phí vận chuyển nên khách đặt mua nhiều hơn cách mua hàng truyền thống. Nhưng hiện nay sàn TMĐT đặt ra rất nhiều loại phí, chưa kể có sàn còn cài đặt tự động cho shop tham gia các chương trình quảng cáo, marketing… lúc đầu miễn phí, hết hạn họ gia hạn tự động mà không báo cho các nhà bán lẻ biết. Hiện nay, chi phí bán hàng trực tuyến rất cao, thường chiếm trên 40% giá bán sản phẩm nên nếu không tính toán kỹ, doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng có doanh thu nhưng không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn.

Không chỉ Shopee, mà Lazada và Tiki cũng như các sàn TMĐT khác đã bắt đầu thu phí người bán, mở rộng các chính sách quảng cáo để bù đắp cho khoảng thời gian “đốt tiền” và khoản đầu tư trước đó. Với Shopee, sàn TMĐT đang được đánh giá chiếm 69% thị phần thương mại điện tử thì phí bán hàng trên Shopee được chia làm 3 loại chính là Chi phí cố định 3% doanh thu, Phí thanh toán 4% (trước 1/9/2023 là 3%) và Phí dịch vụ (khoản phí mà người bán phải thanh toán cho Shopee khi đăng ký tham gia các gói dịch vụ như: gói Voucher Xtra, gói Freeship Xtra và gói Freeship Xtra Plus),  ngoài ra người bán còn phải thêm phí thuê nhân viên, mặt bằng, quảng cáo, phí vận chuyển, phí hoàn trả lại sản phẩm…tổng hợp lại là con số không hề nhỏ.

Các thương hiệu lớn đều không tiếc tiền quảng cáo trên các sàn TMĐT. Ảnh TT
Các thương hiệu lớn đều không tiếc tiền quảng cáo trên các sàn TMĐT. Ảnh TT

Cạnh tranh của các thương hiệu lớn

Khi xu hướng livestream phát triển, người ta đã chứng kiến các thương hiệu lớn Davuba, Julido, Steve, Newseven, The Bad God…đã không tiếc tiền triển khai các chương trình khuyến mãi, mời các KOCs/KOLs tham gia. Sự kiện 100 KOCs (Key Opinion Consumer-người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) và  KOLs (Key Opinions Leaders- người có sự ảnh hưởng trên các nền tảng mạng) 24 giờ livestream liên tục treenn TikTok Shop, sự kiện MegaDay (5/12/2023) đã lập được nhiều kỷ lục ấn tượng.

Sự kiện đình đám MegaDay giúp tiêu thụ hơn 18 ngàn đơn hàng, mức tăng trưởng doanh thu vượt bậc gần 300% so với hàng ngày, tổng doanh thu bán hàng trong ngày diễn ra sự kiện là 272 nghìn USD (tương đương 6,5 tỷ đồng). Tổng lượt hashtag đạt 27,5 triệu view và hơn 22 nghìn USD (tương đương 535 triệu đồng) voucher được áp dụng.

Quan sát phiên livestream với các KOCs chuyên về thời trang như Vân Jinka, Vinh Bánh Bò, Thành Đơn Giản, Chú Bộ Đội Mặc Đẹp…cho thấy các nhãn hàng Việt khó lòng cạnh tranh. Điều quan ngại hơn là các sàn TMĐT, nhất là các sàn chiếm thị phần cao đang có xu hướng “chăm sóc” các thương hiệu lớn, khách hàng lớn hơn là quan tâm đến tập người bán nhỏ lẻ, doanh số thấp.

Chi phí bán hàng trên sàn TMĐT đang có chiều hướng leo thang, cá biệt có sàn tăng phí 4 lần/năm, chưa kể lại còn đẻ ra nhiều khoản phí khác khiến lợi nhuận của nhà bán ngày thấp. Anh Nguyễn Hòa Chính, một người đang bán cà phê trên sàn cho biết trước đây kinh doanh qua sàn TMĐT có thể kiếm lời ít nhất 20% - 22% nhưng nay chỉ còn khoảng 5-7%. Đối với các nhà bán hàng nhỏ lẻ lợi nhuận như thế không đủ để họ tiếp tục duy trì kinh doanh nên đành chủ động chuyển hẳn sang kinh doanh trên mạng xã hội và bán hàng qua kênh người quen giới thiệu.

Muốn bán được hàng trên sàn TMĐT bạn phải tham gia các khóa đào tạo, biết chụp hình, chỉnh sửa ảnh; biết tối ưu hóa chạy các gói quảng cáo, marketing phù hợp.
Muốn bán được hàng trên sàn TMĐT bạn phải tham gia các khóa đào tạo, biết chụp hình, chỉnh sửa ảnh; biết tối ưu hóa chạy các gói quảng cáo, marketing phù hợp.

Phải chuyên nghiệp hóa

Giảng viên Nguyễn Phan Anh (Đại học Thương Mại) khẳng định: cho biết TMĐT là xu hướng mà các doanh nghiệp Việt chúng ta hướng tới khi kênh bán hàng trực tiếp sụt giảm mạnh, làn sóng trả mặt bằng vẫn tiếp diễn. Thế nhưng, bán hàng online qua sàn TMĐT giờ đây phải rất chuyên nghiệp và đầu tư bài bản. Muốn bán được hàng, bắt buộc bạn phải tham gia các khóa đào tạo, biết chụp hình, chỉnh sửa ảnh; biết tối ưu hóa chạy các gói quảng cáo, marketing phù hợp.

Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh cho biết đã qua rồi các thời các sàn TMĐT thu hút nhà bán mới bằng việc phân bổ cho họ có nhiều lượt xem, tặng mã khuyến mãi, nhà bán chỉ cần tính giá đầu vào cộng thêm lãi, toàn bộ tiền hàng sẽ về cho nhà bán nhưng nay chi phí bán hàng online lên đến 30% - 50% giá bán sản phẩm nên người bán phải biết phân bổ chi phí, xây dựng giá bán phù hợp mới hòng có lãi.

Bên cạnh việc hàng chục ngàn nhà bán hàng trên các sàn TMĐT đang bị "loại khỏi cuộc chơi" thì không ít người bán hàng khác bị khóa shop vì những lỗi vô tình vi phạm. Điều này cho thấy các nhà bán hàng dù thành công hay chưa đều không nên “dồn trứng vào một giỏ” mà phải duy trì sự hiện diện của mình ở nhiều các sàn khác nhau, trên mạng xã hội và xây dựng website riêng. Để có thể phát triển việc kinh doanh trên sàn TMĐT, đã đến lúc bắt buộc các doanh nghiệp phải có nhân sự chuyên trách, am hiểu loại hình kinh doanh này để xây dựng được chiến lược phù hợp.