Kinh nghiệm hạn chế phương tiện cá nhân ở các nước - Bài 2: SkyTrain kiến tạo mỹ quan đô thị

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng cơ học về dân số đặt hệ thống giao thông tại các thành phố trước nhiều sức ép như tình trạng ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường... Hệ thống đường sắt trên cao (SkyTrain) tại nhiều quốc gia đã chứng minh được tính hiệu quả cả trong giao thông và kiến tạo mỹ quan đô thị hiện đại.

Hiệu quả di chuyển đáng kinh ngạc
Thành phố Vancouver (Canada) nổi tiếng với hệ thống giao thông công cộng tuyệt vời trong suốt hơn 20 năm qua. Đây cũng là lí do góp phần giúp Vancouver trở thành một trong những thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Nổi bật nhất phải kể đến hệ thống đường sắt SkyTrain với chiều dài 79,6km. Được sử dụng từ năm 1986, SkyTrain có tuổi thọ lâu đời nhất, dài nhất tại Canada nói riêng và trên thế giới nói chung.
 Hệ thống SkyTrain ở Canada.
Chỉ trong vòng 2 thập kỉ, số chuyến tàu đi qua hệ thống SkyTrain tăng từ 25 triệu lượt đi/về một năm lên đến 120 triệu lượt mỗi năm.
Trong năm 2014, hệ thống giao thông công cộng này đã phục vụ tổng cộng 117,7 triệu lượt khách, tăng hơn 300.000 lượng khách so với năm 2010 đã cho thấy người dân thành phố ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng SkyTrain thay vì phương tiện cá nhân.
Đặc trưng giúp SkyTrain ghi điểm trong mắt người dùng phải kể đến tần suất các chuyến đi. Nhằm cải thiện yếu điểm của việc sử dụng loại tàu nhiều toa, tốn thời gian để di chuyển, SkyTrain được lắp đặt các tàu điện tự động, không người lái; loại nhỏ (khoảng 2 toa) với tần suất xuất hiện khoảng từ 1 - 2 phút giữa các chuyến. Với ưu điểm này, SkyTrain vẫn có thể duy trì tần suất hoạt động kể cả khi đang lưu thông trong giờ cao điểm.
Tiết kiệm thời gian và chi phí
Hệ thống SkyTrain là một trong nhiều ví dụ điển hình và thực tiễn nhất trong chính sách kết hợp việc khai thác đất đai với hệ thống giao thông công cộng nhanh của chính quyền thành phố Vancouver. Được xây dựng giữa các khu dân cư đông đúc, SkyTrain không chỉ tối đa hóa năng suất hoạt động khi liên tục phục vụ lượng hành khách di chuyển 2 chiều mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân sống gần các nhà ga. Các dịch vụ kinh doanh như trung tâm mua sắm, nhà hàng, cửa tiệm nhanh chóng được xây dựng và hoạt động buôn bán diễn ra sầm uất quanh khu vực các nhà ga trong chuỗi hệ thống SkyTrain.
 Hệ thống SkyTrain thích hợp di chuyển ở nhiều loại địa hình.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, khái niệm Hệ thống Giao thông mới (New Transport System - NTS) rất phổ biến. Nhật Bản sở hữu 7 NTS: Portliner, Rokko Liner (Kobe), tuyến Astram (Hiroshima), tuyến duyên hải (Yokohama), tuyến Yurikamome (Tokyo), tuyến New Tram (Osaka) và tuyến Nippori-Toneri (Tokyo). Ngoài 2 tuyến tàu điện ngầm, các tuyến còn lại đều hoạt động trên đường sắt trên cao cố định. Điều này cho thấy sự ưa chuộng của người dân trong việc lựa chọn SkyTrain để di chuyển.
Trước kia, tại Nhật, tỷ lệ người sử dụng ô tô chiếm đến 44% và xe bus chiếm 56%. Nhưng kể từ khi NTS xuất hiện đã thành công dành được sự ưa chuộng của hành khách, chiếm 31%, giảm thiểu lượng người dùng ô tô và xe buýt lần lượt xuống 39% và 30%.
Một tàu thuộc hệ thống NTS có sức chứa từ 10.000 - 20.000 hành khách mỗi giờ, gấp khoảng 4 lần năng suất của ô tô thông dụng. Trung bình cứ 13.000 ô tô mới có sức chứa bằng 1 tàu thuộc NTS di chuyển trong vòng 1 giờ đồng hồ.
An toàn và thân thiện với môi trường
Hệ thống NTS ở Nhật ổn định và thân thiện với môi trường với khả năng giảm tiếng ồn và rung lắc, đồng thời không thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Với cấu trúc bền vững, NTS giảm thiểu nguy cơ tai nạn do trật khỏi đường ray.

 SkyTrain ở Nhật Bản an toàn và thân thiện với môi trường.
Do kiến trúc hạ tầng nhẹ và cỡ nhỏ cho nên chi phí xây dựng NTR cũng thấp hơn đáng kể so với hệ thống tàu điện ngầm, do một phần NTS đòi hỏi diện tích đất đai ít hơn rất nhiều.
Ngoài ra, Nhật Bản được biết đến là đất nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, chính vì thế, NTS được xây dựng dựa trên tính toán một phần nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại và đảm bảo an toàn cho hành khách trong trường hợp thiên tai xảy ra. Đa phần NTS đều hoạt động trên đường sắt trên cao, đây chính là lợi thế khi gặp lũ lụt, sóng thần hay đường xá bị ngập lụt sau thiên tai, NTS vẫn có thể hoạt động ổn định và hỗ trợ hành khách di chuyển tiếp cận các tầng cao trong các tòa nhà để tránh thiên tai tạm thời.
Xây dựng bộ mặt đô thị

Còn tại Bangkok, hệ thống đường sắt trên cao Skytrain đã giúp biến đổi thủ đô Thái Lan từ một thành phố tắc nghẽn thành một thủ đô tân tiến với những tòa nhà cao tầng hiện đại.

 SkyTrain ở Bangkok, Thái Lan.

Keeree Kanjanapas, nhà sáng lập và chủ tịch của BTS Group - công ty đã xây dựng đường sắt trên cao đầu tiên ở Bangkok chia sẻ, ông tin rằng các phương tiện giao thông công cộng đã thay đổi Bangkok, không chỉ về giao thông mà còn là cách sống của người dân địa phương.

"Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng BTS Skytrain, mọi người chưa thực sự tính đến việc sống trong các chung cư cao tầng. Bây giờ, họ không chỉ chấp nhận chúng, họ muốn lối sống này, giống như ở các thành phố hiện đại ở mọi nơi." Bằng chứng có thể được tìm thấy ở mọi nơi mà Skytrain đi qua. Các tòa nhà cao tầng mọc lên dọc hai bên đường ray, biến Bangkok trở thành một đô thị hiện đại.

(Còn nữa)