Kinh tế đã chạm đáy?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kinh tế tháng 7 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của khu vực dịch vụ và sự cải thiện ở một số chỉ số về đầu tư, phục hồi nhẹ của xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.

Công nghiệp, dịch vụ khởi sắc lại

Theo Tổng cục Thống kê số liệu kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm nay cho thấy một số chỉ số cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu “khỏe” hơn. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục thể hiện sự phục hồi tốt. Ảnh minh hoạ
Khu vực du lịch, dịch vụ tiếp tục thể hiện sự phục hồi tốt. Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023 đã tăng trở lại ở một số địa phương. Bắc Ninh là ví dụ điển hình, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này trong tháng 7/2023 đã tăng 23,8% so với tháng trước. Trong khi đó, Thái Nguyên tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 5,8%; Vĩnh Long tăng 3%; Bình Dương tăng 2,3%; TP HCM tăng 1,9%; Long An tăng 0,8%... Ngược lại, Hải Phòng giảm 6,7%; Quảng Ninh giảm 1,9%; Hải Dương giảm 1,3%... dù tình hình còn khó khăn, song đã có những tín hiệu tích cực hơn ở các địa phương trọng điểm sản xuất công nghiệp của cả nước.

“Tháng này tình hình sản xuất công nghiệp có sự cải thiện hơn, công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phục hồi” - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Tổng cục Thống kê Phí Thị Hương Nga chia sẻ. Trong đó, một số ngành mà cùng kỳ năm trước tốc độ giảm sâu, nổi bật nhất là ngành thép sụt giảm rất sâu do có một số lò cao dừng hoạt động thì tháng 7 năm nay đã khá hơn. Bên cạnh đó, các ngành ô tô, xe máy… cũng có sự cải thiện rõ nét.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng năm 2023, con số này ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Đây là những số liệu cho thấy đà cải thiện của đầu tư công tiếp tục rất tích cực (6 tháng đầu năm 2023, con số này ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước).

Tình hình đầu tư nước ngoài cũng có những cải thiện với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Vốn FDI giải ngân 7 tháng ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước (các con số tương ứng đến tháng 6 lần lượt là 13,43 tỷ USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ) và 10,02 tỷ USD (tăng 0,5% so với cùng kỳ).

Khu vực dịch vụ tiếp tục thể hiện sự phục hồi tốt. Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,6%.

Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Tổng cục Du lịch), trong tháng 7, Việt Nam đón hơn một triệu khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 194,6%. Đây cũng là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn một triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.

"Với mức đạt 83% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 7 tháng đầu năm, nhiều khả năng ngành du lịch sớm hoàn thành mục tiêu và còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm" - lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,45%; Ngân sách nhà nước bội thu hơn 59 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý.

Giai đoạn xấu nhất đã qua?

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn bên ngoài đã tác động mạnh đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở rất lớn. Kinh tế toàn cầu suy giảm và thắt chặt chi tiêu tại nhiều nước khiến nhu cầu thế giới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.

Phân tích về các chỉ số tăng trưởng, TS. Trần Du Lịch điểm lại về việc ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ đã có sự tiến triển lớn so với quý liền kề. Tuy nhiên, ngành xây dựng và ngành bất động sản tiếp tục tăng trưởng âm.

7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, vẫn giảm tới 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, qua đó cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD. Chính vì đà giảm mạnh hơn của nhập khẩu so với xuất khẩu nên con số xuất siêu trên cũng không hẳn là tin vui.

Theo các chuyên gia kinh tế, dựa trên các số liệu thống kê cũng như nhiều tín hiệu khả quan trong những tháng gần đây, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam có thể được kiểm soát dưới 4,5%, nhưng còn rủi ro và tăng trưởng GDP cả năm khó đạt mức 6-6,5%.

Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê Nguyễn Thu Oanh cho biết, về cơ bản CPI tháng 7 tiếp tục cho thấy xu hướng ổn định, tuy nhiên dự báo vẫn có một số yếu tố có thể tác động đến CPI trong thời gian tới như: Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới tiếp tục ở mức cao; Điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý; Giá lương thực thực phẩm, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết; Tác động của việc tăng lương và EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024. Chuyên gia của WB đề xuất các biện pháp ứng phó với khủng hoảng bao gồm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng. Theo đó, để cải cách cơ cấu trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

GS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường. PGS. TS Phạm Thế Anh đề xuất cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay như giảm chi phí vốn; Kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục trên thị trường tài sản. Bên cạnh đó, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn; Tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập; Ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá.