[Kinh tế dự báo] Nên cứu “sếu đầu đàn”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc tranh luận về cứu trợ các công ty có tầm quan trọng chiến lược hay rải nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), cũng như người yếu thế trở nên nóng bỏng hơn khi nhiều nền kinh tế bắt đầu chuyển hướng để nhận ưu đãi từ các gói hỗ trợ.

Quá to để không được chết
“To big to fail”, câu ngạn ngữ này lại được giới chuyên gia đề cập đến trong các tranh luận gần đây. Chọn cứu DNNVV hay DN lớn, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng nên tập trung vào những trụ cột để nền kinh tế sang thể trạng mới.
Theo ông Thiên, sức bật của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng "đứng dậy" của bộ phận DN, nhưng có thể không phải là tất cả DN. 96% số DN hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc kinh tế này, khiến Việt Nam khó phục hồi, khó đạt được trạng thái "bình thường mới". Do đó, việc hỗ trợ nên tập trung vào những DN tạo ra hiệu quả và mang tính trụ cột của nền kinh tế.
Đồng thời, một phần nguồn lực cũng nên sử dụng để khuyến khích các DN khởi nghiệp, tạo ra một bộ phận DN mới. Dịch Covid-19 là yếu tố kích thích sự thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị trở nên nhanh và khốc liệt hơn.
 Vietnam Airlines là một trong những DN lớn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.  Ảnh: Công Hùng
Quan điểm mà TS Thiên đưa ra dường như cũng là xu thế của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong tuần này, nước Anh đã kích hoạt một kế hoạch cứu trợ các công ty được xem là có tầm quan trọng chiến lược.
Kế hoạch mới cho phép tăng khả năng để Bộ Tài chính Anh có thể đưa ra các gói cứu trợ cho các công ty được đánh giá là "có thể trụ được" sau khi các công ty này đã sử dụng mọi giải pháp, bao gồm các cơ chế cho vay của chính phủ. Nhà nước cũng có thể mua cổ phần của các công ty quan trọng đang phải đối mặt với các khó khăn tài chính lớn. Đề xuất trên sẽ được áp dụng đối với tất cả lĩnh vực trong nền kinh tế.
Quan sát các cuộc khủng hoảng kinh tế đã qua, như khủng hoảng tài chính 2008 cũng cho thấy, Mỹ cũng có hành động tương tự. Nhà Trắng từng bơm tiền mua cổ phần của các hãng ô tô lớn hoặc các tập đoàn tài chính khổng lồ, sau khi DN qua cơn bĩ cực, Chính phủ bán lượng cổ phần này ra thị trường.
Trở lại với nền kinh tế Việt Nam, Bộ Tài chính dự kiến, thu ngân sách năm 2020 giảm khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư giảm khoảng 105.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là nguồn lực ở đâu để triển khai các gói cứu trợ lớn cho tất cả các DN? Chẳng hạn, các gói hỗ trợ cho vay được đề cập lên tới 145.000 tỷ đồng nhưng trên thực tế vẫn là tiền trong các ngân hàng, kinh doanh nên ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, lãi suất cũng chỉ ưu đãi hơn chút xíu đối với các DN.
Tính chất hỗ trợ theo nhận xét của lãnh đạo các DN tư nhân trong cuộc khảo sát của Ban tư vấn kinh tế tư nhân không thực sự đáng kể. Hay mới đây, Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC có đề xuất dùng nguồn vốn hàng chục nghìn tỷ đồng của đơn vị để tham gia mua cổ phần của các DN. Đề xuất này cho đến nay chưa được phê duyệt.
Cứu bằng chính sách, cơ chế thông thoáng
Trong rất nhiều đề xuất, kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước thềm cuộc gặp với cộng đồng DN cả nước hôm 9/5, không có nhiều kiến nghị bơm tiền trực tiếp. Các “sếu đầu đàn” tư nhân cho rằng, hỗ trợ lớn nhất mà họ cần là cơ chế chính sách thuận lợi, thúc đẩy sự hiệu quả.
 Dây chuyền lắp ráp tại Nhà máy Thaco Trường Hải. Ảnh: Thanh Hương
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để thúc đẩy các dự án nhanh chóng khởi công nhằm sẵn sàng đón đầu cơ hội tăng trưởng trở lại.
Cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra các dự án; giãn các kế hoạch kiểm tra, thanh quyết toán bao gồm cả kế hoạch quyết toán thuế để các DN có thời gian bình ổn hoạt động… Hay như các Tập đoàn Masan, Vingroup, Thaco đều đề xuất các cơ quan chức năng của Chính phủ rà soát lại các quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để dịch chấm dứt, DN “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, DN hiện có hơn 16.000 lao động, nếu các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành được thực thi nhanh chóng, triệt để sẽ có rất nhiều DN được cứu kịp thời.
Thay vì các chính sách hỗ trợ khi DN đã “kiệt quệ” và đổ vỡ, họ mong Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 đang được Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng có những chính sách giúp cho DN giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn để duy trì sản xuất - kinh doanh, đồng thời duy trì việc làm cho người lao động.
Việc bơm tiền theo cơ chế cho vay ưu đãi với các DN lớn, như Vietnam Airlines từng đề xuất (gói 12.000 tỷ đồng, lãi suất 0%) khiến dư luận băn khoăn có tiếp tục tạo ra chiếc áo bao bọc và không thúc đẩy DN phải tự vận động và cạnh tranh theo các quy luật thị trường.
Trên thực tế từ năm 2019, Vietnam Airlines đã giảm giá vé và thực hiện một loạt các động thái cải thiện dịch vụ để cạnh tranh với Bamboo và Vietjet. Kết quả người tiêu dùng và các DN được lợi, bản thân năng lực cạnh tranh của tổng công ty cũng được nâng cao. Ngay trong tháng 5 này, tổng công ty đã khai trương một loạt đường bay mới và có những gói kích cầu được thị trường đánh giá cao.
Để các DN lớn “tự bò” cũng là một giải pháp cần thiết được Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung ủng hộ. Ông Cung cho rằng, cơ chế hỗ trợ cho các DN nên bình đẳng, DN nào biết tận dụng sẽ biến nguy thành cơ.
Một giải pháp được cho là sẽ hỗ trợ cho các DN lớn chính là thúc đẩy đầu tư công vì thường các DN lớn mới đủ năng lực tham gia các dự án này. Theo lãnh đạo một DN chuyên tham gia các dự án xây dựng cầu đường, nguồn lực tài chính không phải là nút thắt lớn nhất đối với họ mà cần nhất là cách triển khai cụ thể và rốt ráo.
Lâu nay giải ngân đầu tư công tắc vì không có lãnh đạo địa phương nào dám trực tiếp ký vào các quyết định để đưa tiền vào dự án do hiện có vướng mắc về các thủ tục, luật và các văn bản dưới luật chồng chéo, níu kéo.

"Nhìn vào ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, hàng loạt DN tư nhân lớn đầu tư vào như VinFast hay Trường Hải… nếu Nhà nước có thể tham gia vào việc cùng nghiên cứu sự phát triển, hỗ trợ đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao... thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.


"Nhiều chuyên gia quốc tế đã đánh giá, mọi thứ sau dịch sẽ rất khác so với nền kinh tế và trật tự xã hội cũ. Vì thế, quốc gia nào, ngành nào, DN nào có sự chủ động để chuẩn bị thấu đáo cho tương lai, quốc gia đó, DN đó sẽ giành nhiều lợi thế, thậm chí có rất nhiều đột phá.

Và ngược lại, nếu chỉ loay hoay khắc phục đổ vỡ, thiệt hại, tìm cách cứu chữa những thứ khó để cứu chữa mà không kịp phản ứng, chuẩn bị tâm thế, hành động cho những thay đổi, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội" - Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Phạm Ngọc Thủy.