Kinh tế Hà Nội 4 tháng đầu năm 2020: Tìm cơ hội trong khó khăn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình sản xuất, kinh doanh các ngành, lĩnh vực trong tháng 4/2020 và 4 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội chịu tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19.

Sản xuất, kinh doanh dịch vụ bị chậm lại

Theo Cục Thống kê Hà Nội, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước tính giảm 14,7% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,8% và giảm 5,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt giảm 3,3% và tăng 11%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,8% và tăng 4,2%; ngành khai khoáng giảm 4,9% và giảm 13,3%.

Mặc dù các doanh nghiệp đã dự trữ được nguồn nguyên liệu sản xuất cho những tháng đầu năm, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. 

 Ảnh minh họa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2020 ước tính đạt 1.180 triệu USD, giảm 7,4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, một số nhóm hàng xuất khẩu giảm do nguyên liệu đầu vào bị hạn chế và chuỗi cung ứng hàng hóa tạm thời gián đoạn, trong đó: Điện thoại và linh kiện giảm 45%; nông sản giảm 25,6%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 3%; nhóm hàng xăng dầu giảm 71,4% (do giá dầu thế giới giảm). Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ: Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 33,2%; máy móc, thiết bị tăng 19,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 19,1%; hàng gốm sứ tăng 16,8%; giày dép và sản phẩm từ da tăng 7,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 4.329 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với việc thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP.

Hoạt động bán buôn, bán lẻ và kinh doanh dịch vụ, khách sạn, nhà hàng trong tháng giảm mạnh so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2020 chỉ đạt 32,1 nghìn tỷ đồng, giảm 19,1% so với tháng trước và giảm 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 25,7 nghìn tỷ, giảm 7,2% và giảm 4,9%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 1.135 tỷ đồng, giảm 44,7% và giảm 77%; doanh thu lữ hành đạt 35 tỷ đồng, giảm 78,9% và giảm 96,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 5.306 tỷ đồng, giảm 46,3% và giảm 54,1%.

Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 6 nghìn lượt khách, giảm 93,5% so với tháng trước và giảm 98,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 671 nghìn lượt khách, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 27 nghìn lượt khách, giảm 84,6% so với tháng trước và giảm 97,3% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1.633 nghìn lượt khách, giảm 57,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhìn điểm sáng để nỗ lực vượt khó

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 nhưng kinh tế vẫn có một số điểm sáng. Sản xuất công nghiệp tháng 4/2020 giảm so với tháng Ba và cùng kỳ năm trước nhưng tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%; khai khoáng giảm 16,7%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước do phục vụ nhu cầu thiết yếu và trong phòng, chống dịch bệnh như: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 43%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,4%.

TP đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp có ưu thế, cơ hội phát triển như: Sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, hóa chất vệ sinh, khử trùng, thiết bị y tế); chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến…

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ: Xăng dầu giảm 49,1%; điện thoại và linh kiện giảm 33,7%; hàng nông sản giảm 17,4% (trong đó: Gạo giảm 23,4%, cà phê giảm 4,7%); máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 13,1%. Tuy nhiên một số nhóm hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là: Gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 19,9%; hàng gốm sứ tăng 17,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 12,3%; giày dép và sản phẩm từ da tăng 8,8%; Hàng hóa khác (trong đó có hàng hóa thiết yếu, thiết bị y tế phục vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19) tăng 23%.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được TP tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt với các biện pháp triển khai kịp thời, hiệu quả, chủ động phù hợp với diễn biến dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó TP đã cơ bản kiểm soát tốt và ngăn chặn lây lan dịch bệnh, trong 12 ngày vừa qua Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới nào do lây nhiễm trong cộng đồng.

TP nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực; qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào GRDP nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất. Đồng hành với doanh nghiệp, Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp qua các Tổ công tác của TP. Trên cơ sở đó, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.