Kinh tế Nhà nước định hướng và điều tiết, dẫn dắt thị trường

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vai trò của mình, kinh tế Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thị trường, góp phần vào trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam…

Đó là thông tin tại Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức sáng 13/4, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

TS Nguyễn Long Hải - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.

Quan điểm xuyên suốt

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Nguyễn Long Hải nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986 tới nay.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta xác định rõ quan điểm: Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải dựa trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Giàn khai thác trên biển của Petrovietnam. Ảnh: Hoàng Anh
Giàn khai thác trên biển của Petrovietnam. Ảnh: Hoàng Anh

Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Nêu bức tranh khái quát về kinh tế Nhà nước, tham luận của các đại biểu cho hay, kinh tế Nhà nước được cấu thành từ hai bộ phận. Đó là bộ phận doanh nghiệp Nhà nước mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, và doanh nghiệp Nhà nước mà Nhà nước nắm cổ phần hoặc phần góp vốn chi phí.

Bộ phận thứ 2, là bộ phận phi doanh nghiệp, ngoài các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước còn bao gồm cả đất đai, rừng núi, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất, ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia… Do đó, kinh tế Nhà nước không chỉ là doanh nghiệp Nhà nước.

“Thực tiễn cho thấy, để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước hết sức quan trọng, vừa làm đầu tàu dẫn dắt sự phát triển, vừa là công cụ kinh tế quan trọng để Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế đảm bảo đúng định hướng.

Hiện nay, bối cảnh mới cả trong và ngoài nước đang đặt ra không ít thời cơ lẫn thách thức cho khu vực kinh tế Nhà nước. Theo đó, khu vực này cần phải tiếp tục khẳng định vị trí và phát huy vai trò chủ đạo của mình trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu” - ông Nguyễn Long Hải nhấn mạnh.

Các đai biểu cũng đã tập trung thảo luận vào những vấn đề lý luận: Nhận thức lý luận về vai trò của kinh tế Nhà nước nói chung và đối với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. 

Đặc biệt trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đánh giá những mặt được, hạn chế cùng nguyên nhân, trên cơ sở yêu cầu của bối cảnh mới, đề xuất các giải pháp, kiến nghị để kinh tế Nhà nước thực hiện tốt vai trò này, bảo đảm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Phát huy vai trò chủ đạo

Tham luận tại hội thảo, các ý kiến khẳng định quan điểm, trong nền kinh tế độc lập, tự chủ Việt Nam hiện nay, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Kinh tế Nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thị trường. 

Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện về đêm. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân EVN kiểm tra kỹ thuật đảm bảo điện về đêm. Ảnh: Hoàng Anh

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho biết, bối cảnh mới cả trong và ngoài nước đang đặt ra không ít thời cơ lẫn thách thức cho khu vực kinh tế Nhà nước. Theo đó, khu vực này cần phải tiếp tục khẳng định vị trí và phát huy vai trò chủ đạo của mình trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đồng thời hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu.

TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề, cần có sự tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Trong nền kinh tế thị trường, sự tách bạch giữa hoạt động công ích của Nhà nước và hoạt động kinh doanh cần phải rõ ràng bởi nếu có sự tách bạch thì mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ minh bạch, đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mới chính xác.

“Nếu có sự tách bạch về nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh tế thì mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ minh bạch, đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mới chính xác" - ông Phan Đức Hiếu nói.

Phân tích sâu thêm các đặc điểm cần có của một nền kinh tế tự chủ, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, đó phải là một nền kinh tế chủ động trong việc hoạch định đường lối, có đủ năng lực thực thi các mục tiêu.

Ông Vũ Văn Phúc đề nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trong khi đó, TS Trần Thọ Đạt lưu ý, việc phát huy vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập cần hết sức quan tâm đến khung cảnh mới đó là quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, trong khi bản thân kinh tế Nhà nước được đánh giá là khu vực kinh tế có tốc độ chuyển đổi số còn chậm.

“Nhà nước cũng cần tiếp tục có cơ chế đầu tư, khuyến khích khu vực kinh tế Nhà nước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu của công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới… - chuyên gia Trần Thọ Đạt nói.