Kinh tế tăng trưởng cao, an sinh xã hội được bảo đảm

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Khóa XV đã thảo luận Nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2020 của TP Hà Nội. Đồng thời, xem xét một số tờ trình về phân bổ ngân sách cấp TP năm 2020, chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công…

 Thảo luận tại Tổ đại biểu số 6, chiều 3/12. Ảnh: Nguyễn Hải
GRDP năm 2019 tăng 7,46%
Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong năm qua, Hà Nội giữ được mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, trong đó, GRDP tăng 7,46% - cao nhất trong 4 năm trở lại đây; xuất khẩu tiếp tục tăng cao (25,8%); thu ngân sách được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, cao nhất kể từ 30 năm mở cửa và hội nhập; DN thành lập mới tăng cả về số lượng (11%) và vốn đăng ký (30%).

Phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 đã được TP đề ra như: GRDP bình quân đầu người đạt trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn trên 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn (tiêu chuẩn nước sạch đô thị) đạt 100%...

Trong số các giải pháp được nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, đổi mới đồng bộ GD&ĐT, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Bên cạnh đó, quản lý đô thị được đẩy mạnh; công tác chiếu sáng, chỉnh trang đường phố tiếp tục được đổi mới; cung cấp nước sạch, thoát nước và vệ sinh môi trường được duy trì; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản. TP cũng tiếp tục trồng mới và đẩy mạnh việc chăm sóc cây xanh; tỷ lệ huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao so với đầu nhiệm kỳ. An sinh xã hội được đảm bảo; dịch bệnh trên người được kiểm soát tốt; giảm nghèo vượt kế hoạch… TP cũng hoàn thành việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (nghị quyết về vấn đề này vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8); chỉ đạo xây dựng các huyện thành quận…
Đặc biệt, có 7/22 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch như GRDP/người; vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; BHXH tự nguyện; giảm nghèo; tỷ lệ thất nghiệp thành thị; nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của TP cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế như tỷ lệ giao đất dịch vụ, giải ngân xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…
Thẩm tra về vấn đề này, các Ban của HĐND TP cũng nhận định, TP đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy. Cùng đó, UBND TP đã có các giải pháp điều hành quyết liệt cùng với tinh thần phấn đấu, nỗ lực của hệ thống chính quyền các cấp, cộng đồng DN và Nhân dân Thủ đô, kinh tế Hà Nội năm 2019 đạt được nhiều kết quả quan trọng giữ đà tăng trưởng khá và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát của năm mà HĐND TP đã quyết nghị… Với những nhiệm vụ năm 2020, UBND TP cần chỉ đạo tập trung ngay từ những tháng đầu năm của năm 2020 thực hiện có hiệu quả, linh hoạt các giải pháp, nhiệm vụ để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu còn thấp trong kỳ kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP.
Biến start up thành các “kỳ lân” trong nền kinh tế
Thảo luận tại tổ về nội dung này, các đại biểu (ĐB) HĐND TP đều thống nhất cao với báo cáo kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đồng thời cũng phân tích những điểm cần lưu ý để thực hiện tốt các mục tiêu trong năm 2020. Trong đó, theo ĐB Nguyễn Lan Hương (tổ Đông Anh), năm 2019, phát triển kinh tế - xã hội của TP đã đạt thành tựu cao hơn 2018 nhưng năm 2020 có thể sẽ rất khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi hiện có không ít DN của Hà Nội là chủ đầu tư của rất nhiều sản phẩm nông nghiệp ở khắp nơi trên cả nước; các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi đối tác này ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và các tiêu chí thương mại. “Chính phủ cần có chính sách đàm phán tương đồng, bình đẳng với Trung Quốc. Như vậy sẽ thuận lợi cho DN rất nhiều. Ngành nông nghiệp năm qua đã gặp vô vàn khó khăn. Hà Nội cần có chính sách phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững” – ĐB nhấn mạnh.

Đối với vấn đề khởi nghiệp, Chính phủ đã khởi động quốc gia khởi nghiệp; các bộ, ngành và chính quyền TP đã thông qua chính sách, tạo ra bước khởi nghiệp trên địa bàn TP. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp của các DN chưa được như mong muốn. Do đó, cùng với phong trào khởi nghiệp, công nghiệp số công nghệ thông tin cũng là dư địa rất lớn để phát triển, cho lợi nhuận cao. Ngoài ra, việc chuyển từ hộ cá thể lên DN cũng là dư địa lớn mà TP cần quan tâm, trong đó có nhiều mô hình có thể tạo thành thương hiệu lớn, xu hướng trong kinh doanh, xuất khẩu.

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân)

ĐB Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, Hà Nội hiện có lợi thế lớn với nguồn nhân lực chất lượng cao, phong trào start up mạnh mẽ, chính quyền TP cần có những giải pháp mạnh mẽ, cử một bộ phận chuyên trách trợ giúp cho sự phát triển của các start up, biến thành các “kỳ lân” trong nền kinh tế. Bộ phận chuyên trách này có thể trả lương bằng các nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách như TP Hồ Chí Minh đang thực hiện. 
Các ĐB cũng góp ý, Hà Nội cần tranh thủ tốt hơn đội ngũ tri thức đang sống và làm việc tại TP, gắn khoa học công nghệ với dịch vụ, sản xuất công, nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa... Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (tổ Gia Lâm), kinh tế dịch vụ và kinh tế công nghiệp là cốt lõi của mọi nền kinh tế và để thúc đẩy vấn đề này phải thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Hiện nay, công nghệ thông tin là nền tảng của cách mạng 4.0 và kinh tế dịch vụ, do đó, TP đã đầu tư phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. ĐB đề xuất, TP nên xây dựng các nền tảng và có chính sách phát triển rõ ràng, rành mạch từng bước một, từng năm một. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp gắn với các vấn đề đầu tư, chính sách hỗ trợ DN, thị trường đầu ra, vấn đề liên kết sản xuất… với các kế hoạch, chương trình, mục tiêu cụ thể. Qua đó, nâng cao năng suất lao động, tăng được giá trị sản xuất công nghiệp.
Quan tâm đến việc thúc đẩy quá trình phát triển một số huyện lên thành quận (hiện nay có 5 huyện đang xây dựng phát triển thành quận), ĐB Vũ Huy Hoàng (tổ Đan Phượng) đề nghị TP quyết liệt chỉ đạo hơn nữa. Khi huyện được lên thành quận sẽ có điều kiện thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, tăng giá trị sử dụng đất, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Thúc đẩy hơn các vấn đề dân sinh
Cùng với đó, các ĐB cũng cho rằng, TP đã và đang rất quan tâm đến vệ sinh môi trường nhưng cần quan tâm hơn tới yếu tố “xanh”, “sạch”, mà nguyên nhân bụi bẩn chủ yếu từ các công trường xây dựng. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý vệ sinh môi trường, rác thải; chọn giải pháp đột phá để thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch… ĐB Lê Cường (tổ Hà Đông) đề xuất, TP quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, trong đó có cơ chế đặc biệt kêu gọi các nhà đầu tư vào để thực hiện các dự án công viên cây xanh.
Đề cập đến vấn đề nước sạch, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) cho rằng, tới đây, nước sạch lấy từ nguồn nước mặt sông Hồng, sông Đà việc quản lý không chỉ một mình Hà Nội mà có Bộ TN&MT và các tỉnh, TP. Nhưng hiện các làng nghề làm đồ gỗ, nhuộm, mạ, làm giấy không qua thu gom, xả thải trực tiếp xuống sông, hồ, sẽ chảy ra các con sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Do đó, các cơ sở ô nhiễm cần phải di dời, theo quy định của Luật Thủ đô.
Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân), về vấn đề đô thị, nếu không giải quyết tốt hạ tầng giao thông, sẽ không giải quyết được ùn tắc giao thông, TP nên có Nghị quyết tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông đô thị. ĐB cũng góp ý, ô nhiễm môi trường không khí rất nguy hại, năm 2020 cần phải tập trung nguồn lực và các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí mà đầu tiên là giảm thiểu khí thải ô tô, xe máy. Về nước sạch, phát sinh về an ninh nguồn nước, sau vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà, vấn đề đặt ra là có nên tách việc sản xuất nước sạch với hạ tầng phân phối nước sạch hay không để tránh việc độc quyền. Người dân ngoại thành có quyền dùng nước sạch càng sớm càng tốt nhưng nhiều khu vực đã có nước sạch song lại chưa đấu nối, do đó cần có chính sách hỗ trợ DN làm nước sạch.
Đưa ra vấn đề cải tạo chung cư cũ, ĐB Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) đề nghị cần có đánh giá cụ thể về những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp để cải tạo chung cư cũ.
Nhiều vấn đề khác liên quan đến việc thu hồi các dự án không triển khai; giải quyết tranh chấp nhà chung cư; xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp… cũng được các ĐB đặt ra trong phiên thảo luận.

Đối với ngành nông nghiệp, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành đều tăng trưởng, tuy nhiên do dịch tả lợn châu Phi làm thiệt hại trên 3% tổng đàn lợn của TP. Sang năm 2020 để bảo đảm tốc độ tăng trưởng, ngoài việc tiếp tục phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngành tiếp tục chỉ đạo tiếp tục tái đàn lợn, chuyển sang chăn nuôi bò thịt, gia cầm; chuyển đổi diện tích trồng lúa, hoa quả sang trồng cam và các loại khác; tiếp tục phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm.
ĐB Chu Phú Mỹ (tổ Ứng Hòa)