Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh vào cuối năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội năm 2020 tăng 3,98%, tuy không đạt kế hoạch (7,5%) nhưng là mức cao so với cả nước và nhiều địa phương. Các số liệu cho thấy, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh vào cuối năm" - Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng chia sẻ tại buổi họp báo chiều 29/12, công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội TP Hà Nội năm 2020.

Cụ thể, ông Hùng phân tích: Tăng trưởng GRDP quý IV năm nay tuy thấp hơn mức tăng 8,35% của cùng kỳ năm 2019 nhưng cao hơn hẳn các quý trước, đồng thời thể hiện rõ xu hướng phục hồi đà tăng trưởng (Quý I/2020 tăng 4,13% so với cùng kỳ năm trước, quý II tăng 1,76%, quý III tăng 3,95% và quý IV tăng 5,77%). Trong đó, tăng trưởng các ngành đều tăng so với quý trước như: Đơn cử như khu vực dịch vụ quý IV ước tăng 5,38%, mức tăng cao nhất trong các quý, đóng góp 3,34 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP (quý I/2020 tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; quý II tăng 0,5%; quý III tăng 3,12%; quý IV tăng 5,38%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 5,32%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực; đã khởi công một số công trình lớn và hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý IV ước tính thực hiện 150,8 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với quý III và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt đạt 413,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019. Thu ngân sách được đảm bảo, là một trong số ít địa phương hoàn thành vượt ngân sách được giao. Số lượng DN thành lập mới ước trên 26,4 nghìn, nâng lũy kế tổng số DN trên địa bàn lên khoảng 303,6 nghìn DN.

Năm 2021, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu KT - XH, Cục Thống kê kiến nghị TP cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm chi phí cho DN và người dân; Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ DN liên quan đến thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Thứ ba, tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Thứ tư, chủ động bám sát diễn biến thời tiết, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Thứ năm, quan tâm phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần ổn định cung - cầu và kích thích sản xuất kinh doanh. Xây dựng các kịch bản phục hồi phát triển ngành du lịch….