Kinh tế Việt Nam: Những chuyển biến tích cực

Michael Kokalari - Kinh tế trưởng, VinaCapital
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể sẽ tiếp tục duy trì trạng thái “cân bằng” như nó đạt được trong năm 2017 nhờ vào những hiệu ứng tích cực từ chính sách vĩ mô.

Nhìn lại năm 2017

Tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 5,2% trong quý I đã tăng lên 7,5% trong quý III/2017, dựa trên đà tăng mạnh của sản xuất công nghiệp từ mức 8% trong quý I lên 14% vào thời điểm đầu tháng 12/2017. Điều này được phản ánh thông qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam luôn được duy trì ở mức cao trong năm.

Một yếu tố khác cũng đóng góp vào kết quả này là mức tăng 12% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thông qua việc một loạt dự án quy mô lớn được đưa vào hoạt động. Điển hình như sự phục hồi của Samsung từ quý II/2017, đã giúp xoay chuyển cán cân thương mại từ mức thâm hụt tương đương 2,3% GDP trong nửa đầu 2017 tới con số thặng dư vào khoảng 1,4% GDP vào cuối tháng 11/2017.
 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Samsung Việt Nam.Ảnh: Thanh Hải
Tăng trưởng từ tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp tới 64% GDP cũng có sự cải thiện nhất định trong năm 2017. Theo kết quả khảo sát do Nielsen thực hiện, doanh thu bán lẻ đã tăng từ 6,2% trong quý I/2017 lên 9,5% trong 11 tháng đầu năm 2017, đi cùng với đó là mức tăng kỉ lục của niềm tin tiêu dùng tại Việt Nam.

Nền kinh tế ổn định

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định trong năm 2017 nhờ vào việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách quản lý một cách linh hoạt, cũng như những tín hiệu tích cực đến từ khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế toàn cầu. Sự ổn định được thể hiện rõ nhất thông qua diễn biến tỷ giá VND so với USD. Giá trị của VND ở thị trường tự do đã tăng 1,6% ở thời điểm đầu tháng 12/2017 và cao hơn 1,5% so với tỷ giá chính thức trong suốt năm 2017. Lạm phát giảm từ 5,2% trong tháng 1 xuống 2,5% trong tháng 7/2017, trước khi đi vào ổn định ở mức 3% trong nửa cuối năm 2017. Năm 2018 được kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ổn định bất chấp khả năng giá dầu thế giới sẽ tăng 15% trong năm tới, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 1,7 điểm phần trăm.
 
Với tỷ lệ lạm phát thấp hiện nay tại Việt Nam cùng với kỳ vọng của thị trường về khả năng này sẽ tiếp diễn trong năm tới, giá trị trái phiếu Việt Nam với kỳ hạn 5 năm đã giảm xuống còn 4,6% ở thời điểm đầu tháng 12/2017. Mức thấp kỷ lục của tỷ lệ trái phiếu, cùng với tính thanh khoản cao của ngân hàng, sẽ thúc đẩy một cách gián tiếp dòng chảy tín dụng vào thị trường.

Nhiều tiềm năng và nội lực

Một số chính sách của Chính phủ đã giúp duy trì trạng thái “Goldilocks” (một nền kinh tế tăng trưởng ở mức đủ nhanh để tạo thu nhập cao cho người dân và thúc đẩy đầu tư, nhưng không quá nóng để có thể gây ra lạm phát) cho kinh tế Việt Nam, trong khi một số chính sách khác vừa được công bố trong năm 2017 liên quan đến tiến trình cải cách ngành ngân hàng và các DN Nhà nước nhiều khả năng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Chính vì thế tăng cường hiệu quả hệ thống ngân hàng nên được coi là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, bởi một hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và trơn tru sẽ đóng vai trò quan trọng trong một nền kinh tế năng động, thông qua việc huy động nguồn vốn một cách tối ưu tới những khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để có thể thu hút cam kết ở mức độ cao từ những đối tác chiến lược cho các ngân hàng, Chính phủ nên nghiên cứu đưa ra quy định nâng giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng đang trong quá trình cổ phần hóa.

Trong bối cảnh năm 2017 phải đối mặt với nhiều bất ổn từ chính trị và kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam xuyên suốt quãng thời gian đó đã thể hiện được tiềm năng và nội lực vốn có. Điều này cho thấy Việt Nam có đủ những yếu tố cần thiết để duy trì yếu tố “Goldilocks” trong năm 2018.

Năm 2017, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể dựa trên 3 yếu tố: Sự phục hồi ấn tượng của sản xuất công nghiệp, hoạt động XK, và tăng trưởng tiêu dùng ở mức cao. Các chỉ số kinh tế quan trọng như lạm phát, lãi suất và tỷ giá VND đều được giữ ổn định thông qua sự điều hành một cách linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô của NHNN, và những điều kiện thuận lợi đến từ môi trường kinh tế toàn cầu.