Kỷ niệm 20 năm Hà Nội được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”: Bước tiến trong nâng cao đời sống người dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, TP Hà Nội luôn chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân. Không chỉ dừng lại ở sự “no đủ”, mà cuộc sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt, phù hợp với những tiêu chí của một “Thành phố vì hòa bình”.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ba Vì, tháng 1/2019. Ảnh: Thanh Hải
Coi trọng an sinh
Vào thời điểm ngày 16/7/1999 khi được UNESCO chọn là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO - “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã đáp ứng được các tiêu chí như: Có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái… Hai thập kỷ mang danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cũng chính là những năm tháng Hà Nội có nhiều đổi thay nhanh chóng. Đặc biệt, từ năm 2008, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền còn lớn... Nhưng Hà Nội đã nỗ lực vươn lên không ngừng để kéo dần những khoảng cách ấy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.
Hiện TP đã có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra) và 3 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Cùng với đó 4 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, TP có thêm bốn huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí gồm Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn nhờ đó cũng tăng nhanh, đạt 46,5 triệu đồng/năm; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đổi thay rõ rệt.

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện “chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020”, mục tiêu là nâng cao hơn nữa đời sống, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo như xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh, ưu đãi về tín dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều chính sách trong lĩnh vực này đã được ban hành để bảo bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn... Trong đó có nhiều chính sách đặc thù như: Cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hàng tháng cho cựu thanh niên xung phong; hỗ trợ tiếp cận sử dụng truyền hình số mặt đất cho toàn bộ hộ nghèo... TP không chỉ mở rộng đối tượng miễn giảm học phí đến 13 xã miền núi, 2 xã ven sông, mà còn thực hiện chế độ học phí ở mức thấp nhất và thể hiện sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn.

Đặc biệt, TP đã phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, năm 2018, UBND TP Hà Nội đã trích ngân sách hơn 108 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời huy động và phân bổ thêm hơn 26 tỷ đồng cho các địa phương có hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, ủng hộ thêm hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, TP đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 4.166 nhà cho hộ nghèo. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, hiện 5 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm đã không còn hộ nghèo.

Cùng với đó, kết quả xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cũng là hình mẫu về phân bổ nguồn lực và huy động nguồn lực của TP, kết hợp hiệu quả giữa nguồn lực từ ngân sách với nguồn lực từ Nhân dân.
Nâng chất lượng cuộc sống

Từ thực tế, mỗi người đều có thể cảm nhận được sự khác biệt trong chất lượng sống của người dân trong những năm qua. Thu nhập của người dân tăng lên, chất lượng giáo dục, y tế, giải quyết việc làm… đều có những bước tiến lớn. Hàng năm, TP giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động, đưa tỷ lệ thất nghiệp thành thị cuối năm 2018 giảm xuống còn 2,41%. Trong lĩnh vực y tế, với 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tăng…

Đặc biệt trong lĩnh vực gắn chặt với đời sống an sinh của người dân là nước sạch. Từ chỗ rất nhiều khu vực rơi vào tình cảnh “khát” nước sạch; nhiều vùng gần như chưa được tiếp cận vấn đề này, để nâng tỷ lệ người dân được dùng nước sạch, TP đã xây dựng phương án vận hành tối ưu mạng lưới cấp nước để điều tiết nước trong các khu vực. Tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung khu vực đô thị khoảng hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Qua đó, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước đạt gần 100%; Khu vực ngoại thành, khoảng 57% số hộ dân (với gần 2,4 triệu người dân) được tiếp cận, sử dụng nước sạch. TP cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 tỷ lệ này tăng lên 75% và đạt 100% vào năm 2020. Với rất nhiều dự án khai thác, lắp đặt hệ thống phân phối, truyền dẫn nước sinh hoạt đã và đang triển khai, đây được đánh giá là mục tiêu “trong tầm tay”.

Những con số trên là minh chứng sống động về những bước tiên lớn, những thay đổi mạnh mẽ của TP trong 20 năm qua. Dù còn không ít khó khăn, nhiều việc phải làm, nhưng so với những tiêu chí của danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã đặt ra, Hà Nội đã thực hiện tốt các mục tiêu nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu vì con người, đời sống người dân.