Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2019): Thể hiện sức mạnh của lực lượng tại chỗ

Trần Hà - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa 60 vạn quân tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam. Về nguyên nhân dẫn đến sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã kể lại câu chuyện trao đổi với một học giả người Trung Quốc. Trong đó, qua nghiên cứu của mình, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đã đưa ra 4 lý do để Trung Quốc quyết định “động binh”.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, lý do quan trọng nhất dẫn đến cuộc chiến bởi lúc bấy giờ, tháng 11/1978, Việt Nam đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên bang Xô Viết. 
Trên cơ sở trao đổi thẳng thắn, lý do đầu tiên, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định đó là: Đầu tiên, Trung Quốc muốn mang quân tiến vào biên giới phía Bắc Việt Nam để giải tỏa áp lực cho quân Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam Việt Nam.
Bởi thắng lợi của Nhân dân Việt Nam trong Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt đã đẩy sự căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên đỉnh điểm.
Thứ hai, Trung Quốc cho rằng Việt Nam có chế độ bài xích, xua đuổi người Hoa đang ở Việt Nam. Trong khi thực tế, giữa năm 1978, mối quan hệ giữa hai nước rất căng thẳng đã khiến những người Hoa kiều tại Việt Nam cảm thấy lo lắng nên họ “rỉ tai nhau” về, tạo thành một làn sóng trở về nước. Không hề có chuyện Việt Nam bài xích, xua đuổi người Hoa.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, lý do quan trọng nhất dẫn đến cuộc chiến này là bởi lúc bấy giờ, tháng 11/1978, Việt Nam đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên bang Xô Viết. Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đã “ngả” về phía Liên Xô, trong khi mối quan hệ Trung – Xô đang có diễn biến phức tạp. Có thể chính điều đó đã làm Trung Quốc “thất vọng”, khiến “giọt nước tràn ly”.
Đó cũng là lý do khiến Đặng Tiểu Bình - người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó đã nói “dạy cho Việt Nam một bài học”. Bởi trong các cuộc kháng chiến trước đó của Việt Nam, “người anh em” Trung Quốc đã viện trợ cho ta 52%; trong khi Liên Xô và các nước Đông Âu giúp ta 48%.
Một lý do nữa được PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhắc tới qua nghiên cứu của mình, là Trung Quốc cho rằng đây là một cuộc “phản kích tự vệ”, được thực hiện bởi lực lượng “bộ đội biên phòng”. Lý lẽ Trung Quốc đưa ra là Việt Nam đã gây ra xung đột, “lấn chiếm đất đai”, “quấy rối biên cương” phía Nam. Thực tế, trên vùng biên giới Việt – Trung không có lực lượng vũ trang nào của Việt Nam được triển khai gây sức ép buộc Trung Quốc phải “tự vệ”.
 Việt Nam hoàn toàn không bất ngờ trước cuộc chiến
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tự bộc lộ mâu thuẫn khi gọi lính Trung Quốc là “lực lượng biên phòng”. “Tại sao cuộc “trừng phạt” ấy lại cần phải có quy mô lớn với 60 vạn quân trên 1400 cây số đường biên giới Việt – Trung? Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ lượng cho cuộc chiến tranh này” – ông Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
Trả lời câu hỏi trong cuộc chiến này, Việt Nam có bị bất ngờ không? Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: Chúng ta không bất ngờ về chiến lược bởi trước đó, Bộ Tổng tham mưu đã đưa ra nhiều chỉ thị, mệnh lệnh nâng cao cảnh giác ở mức cao nhất; nhưng chúng ta bị bất ngờ về thời điểm và quy mô tấn công của Trung Quốc.
Thời điểm ta “hạ cao điểm” thì đêm 16, rạng ssng 17/2/1979 (đêm Thứ Bảy, rạng ngày Chủ nhật), phía Trung Quốc bí mật đưa lực lượng lớn vượt biển, luồn sâu, ém sẵn ở nhiều khu vực trên toàn tuyến biên giới, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu); đồng thời, triển khai đội hình gồm một lực lượng lớn áp sát biên giới chuẩn bị tiến công.
Về cơ bản, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc của quân và dân ta đã giành thắng lợi. “Cuộc chiến là thắng lợi bước đầu, có ý nghĩa quan trọng to lớn cả về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao. Thắng lợi này, đặc biệt trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của ta thể hiện sức mạnh chiến tranh nhân dân của Việt Nam, nhất là sức mạnh của lực lượng vũ trang “tại chỗ” của địa phương. Trong cuộc chiến này, chúng ta chưa đưa lực lượng tham chiến vào chiến đấu thì Trung Quốc đã rút quân....”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Bên cạnh đó, thắng lợi của cuộc chiến đấu này đã bảo vệ đường lối quân sự đúng đắn, được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã từng bước ngăn chặn, tiêu hao nhiều sinh lực của đối phương; phá hủy nhiều trang thiết bị vũ khí, phương tiện chiến tranh, làm thất bại ý đồ khiêu chiến của đối phương…
Ta đã gây tổn thất cho đối phương 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bán cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng… Trung Quốc tổn thất cả về quân sự, chính trị và ngoại giao.
Thêm nữa, thắng lợi này đã khẳng định ý chí của quân dân ta kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền độc lập lãnh thổ trong những năm đầu đất nước vừa giải phóng, thống nhất.
Về bài học kinh nghiệm sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: Một là, cần nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn của đối phương; chiến lượng của các nước lớn. Hai là, kinh nghiệm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh để tránh bị bất ngờ. Ba là, kinh nghiệm chỉ đạo, chỉ huy tác chiến; đồng thời cách phân bổ lực lượng chủ lực trên chiến trường một cách hợp lý…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần