Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ độ Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019): Bám điểm nóng vùng biên

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng nhận thức của người dân vùng cao còn hạn chế, thiếu thông tin, khó khăn về kinh tế, đối tượng mua bán người đã thành lập các đường dây thường môi giới, dẫn dắt phụ nữ, trẻ em qua biên giới để mua bán.

Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội như Facebook, Zalo trở thành công cụ hữu hiệu để các đối tượng vi phạm sử dụng thiết lập các đường dây mua bán người.
Phá chuyên án mua bán phụ nữ
Lào Cai là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 35%, còn lại là các dân tộc thiểu số. Với gần 200km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Trung Quốc, nơi có cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu song phương, nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện cho việc đi lại thăm người thân, buôn bán. Những yếu tố đó vô tình biến vùng đất này thành điểm nóng về nạn buôn bán người, khiến tình hình tội phạm buôn bán người tại đây trở nên hết sức phức tạp.
 Trung Quốc trao trả nạn nhân Việt Nam cho Bộ đội Biên phòng Lào Cai.
Năm 2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiếp nhận 2 nạn nhân được giải cứu đưa từ Trung Quốc về qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là Châu Thị C (SN 2001) và Châu Thị D (SN 2002), đều là người dân tộc Mông, trú tại thôn Chu Lìn 1, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai). Theo lời kể của 2 nạn nhân, khoảng đầu tháng 10/2017, Châu Thị C được một nam thanh niên người Mông, tự giới thiệu là Trang, nhà ở huyện Mường Khương, sử dụng số điện thoại 08867754xx gọi đến số điện thoại của C để làm quen. Trang đã trực tiếp gặp C 4 lần trong tháng 10/2017 tại Sa Pa.
Cùng đi với Trang trong những lần ấy có một thanh niên người Mông khác, tự giới thiệu Liêm, không rõ địa chỉ cụ thể. Qua trò chuyện, móc nối, Liêm làm quen được em họ của C là Châu Thị D. Ngày 31/10/2017, với lý do rủ C về thăm nhà, Trang và Liêm đã đưa C và D sang Trung Quốc qua Trung Quốc qua khu vực Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương bán cho 2 người Trung Quốc. Lợi dụng sơ hở của 2 đối tượng người Trung Quốc, Châu Chị C và Châu Thị D đã bỏ trốn, tìm đến cơ quan công an Trung Quốc và được đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Căn cứ thông tin 2 nạn nhân cung cấp về đối tượng lừa bán, bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 7/2/2018, tại khu vực công viên Hồ Chí Minh (phường Phố Mới, TP Lào Cai), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phát hiện Sùng Seo Tráng (dân tộc Mông, SN 1997, tại thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, Lào Cai) có đặc điểm nhận diện trùng khớp với thông tin 2 nạn nhân cung cấp. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã yêu cầu đối tượng trên về đơn vị phục vụ điều tra.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, khoảng tháng 8/2017, tại khu vực bến xe phường Phố Mới, TP Lào Cai, Sùng Seo Tráng được một thanh niên tên Liêng, dân tộc Mông (SN 1998, trú tại phố Ràng, huyện Bảo Yên) gặp gỡ làm quen và cho số điện thoại. Quá trình liên lạc, Liêng có bàn với Tráng đi tìm phụ nữ sang Trung Quốc, số tiền bán được sẽ chia đôi. Tráng đồng ý và đã đi nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai với mục đích trên.
Tháng 10/2017, tại bờ hồ Sa Pa, Tráng gặp một người tên Chang. Tráng nói rõ mục đích của mình là đi tìm phụ nữ để bán và Chang đồng ý. Tráng đã cho Chang vay 2 triệu đồng. Sau đó, Chang đã cung cấp số điện thoại của Châu Thị C và dặn: “Nếu C có hỏi tại sao có số điện thoại thì cứ nói là do Giàng Thị Pằng cung cấp” – Pằng là người mà C đang có ý định tìm hiểu. Sau khi Tráng có số điện thoại của C đã gọi điện làm quen và có tình cảm. Qua đó, Tráng đã cùng Liêng lên Sa Pa và rủ C đi chơi. Do muốn có bạn, C đã rủ Châu Thị D đi cùng.
Ngày 31/10/2017, với lý do rủ C về thăm nhà, Tráng và Liêng đã đưa C và D sang Trung Quốc qua khu vực Na Lốc (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) bán cho 2 người phụ nữ với giá 1,2 vạn Nhân dân tệ, số tiền trên được chia đều cho cả hai. Tráng đã đổi sang tiền Việt được 21 triệu đồng.
Qua đánh giá, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phạm tội có tổ chức, nạn nhân đã bị đưa ra nước ngoài. Mặt khác, trong vụ án còn có một số đối tượng chưa bị bắt giữ có thể hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Lật tẩy thủ đoạn tinh vi
Theo nhận định tình hình mua bán người của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tội phạm mua bán người có thể giảm về số vụ nhưng tính chất phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.
Chúng lập thành đường dây, ổ nhóm, câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, người môi giới, dẫn dắt. Để tránh sự phát hiện, truy bắt của cơ quan chức năng, bọn tội phạm có sự thay đổi về thủ đoạn như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng thông tin cá nhân giả, hình ảnh của người khác thông qua tiện ích công nghệ để tiếp cận, làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, hướng dẫn nạn nhân sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất cảnh của cửa khẩu hoặc vượt biên sang Trung Quốc.
Đại úy Phạm Đức Hậu – Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết: “Những năm gần đây, tội phạm mua bán người giảm về số vụ nhưng tính chất phức tạp hơn. Với sự phát triển của công nghệ, các đối tượng mua bán người lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để làm quen, kết nối với đối tượng bị hại. Ở Lào Cai, người dân có nhận thức tốt hơn về tình trạng mua bán người, có ý thức đề phòng, nạn nhân thường là người ở các tỉnh lân cận. Nạn nhân có thể là người quen, người thân của đối tượng phạm tội.
Qua chia sẻ của các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng mua bán người tại địa phương diễn ra là do trên địa bàn có nhiều địa điểm tiếp giáp gần biên giới, dễ bị các đối tượng lợi dụng xuất nhập cảnh trái phép như tại bản biên giới Nậm Sò (huyện Bảo Thắng), huyện Bát Xát, Lào Cai.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: “Một trong những khó khăn để diễn ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép là do mùa khô, nhiều đoạn biên giới đường sông bị cạn, công dân đã lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép”.
Nạn nhân của thủ đoạn mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp; nhận thức pháp luật, xã hội còn hạn chế; thiếu việc làm, khó khăn về kinh tế, một số là học sinh các trường THCS, THPT… Nạn nhân bị lừa gạt qua biên giới vì mục đích mại dâm và kết hôn trái pháp luật với người Trung Quốc.
Trước tình hình này, Bội đội biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời đề ra các kế hoạch, biện pháp chỉ đạo nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra khám phá, triệt xóa các đường dây tội phạm mua bán người hoạt động xuyên quốc gia. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, chú trọng trao đổi thông tin để đấu tranh với tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân bị mua bán. 

Năm 2018, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt giữ, khởi tố 3 vụ, 3 đối tượng phạm tội mua bán người. Thu giữ 4 xe máy, 5 điện thoại di động 6.700 Nhân dân tệ. Phát hiện và báo cáo cơ quan nghiệp vụ cấp trên xác lập đấu tranh thành công 1 chuyên án mua bán người có phạm vi liên tỉnh, liên quốc gia, bắt 2 đối tượng dân tộc Mông cư trú tại Xín Mần, Hà Giang. Tiếp nhận và chuyển tuyến an toàn cho 29 nạn nhân bị mua bán trở về (9 nạn nhân trong tỉnh).