Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Có quy chế, học sinh vẫn băn khoăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin này vừa được ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết. Thời gian đăng ký dự thi kéo dài đến 30/4. TS khi làm hồ sơ đăng ký cần xác định mục đích tham dự kỳ thi và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi. TS có thể đăng ký tối đa 8 môn thi, cơ hội xét tuyển nhiều hơn, nhưng cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao. (Oanh Trần)

Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2015 mà Bộ GD&ĐT mới ban hành đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn từ phía nhà trường và thí sinh (TS) về thời điểm thi, cấu trúc đề thi. 
Ngày 1/4, TS bắt đầu đăng ký dự thi
Kinhtedothi - Thông tin này vừa được ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết. Thời gian đăng ký dự thi kéo dài đến 30/4. TS khi làm hồ sơ đăng ký cần xác định mục đích tham dự kỳ thi và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi. TS có thể đăng ký tối đa 8 môn thi, cơ hội xét tuyển nhiều hơn, nhưng cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao. (Oanh Trần)

Còn nhiều dấu hỏi

Những điều TS băn khoăn nhiều nhất nằm ở những dấu hỏi: Cấu trúc đề thi ra sao? Các cụm thi bao giờ được công bố? Thời gian thi được tổ chức vào ngày nào?... Em Nguyễn Hoàng, học sinh (HS) lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết, đã yên tâm hơn khi Bộ đưa ra Quy chế thi chính thức, nhưng đến giờ phút này vẫn lo lắng, không biết mình sẽ thi ở cụm thi nào? Cấu trúc đề thi ra sao? “Em rất mong Bộ GD&ĐT có những đề mẫu để TS được làm quen. Hơn nữa, mong Bộ đưa ra chính thức ngày, giờ thi. Em cùng các bạn đều không biết mình thi giữa tháng 6 hay đầu tháng 7” - Hoàng chia sẻ.

Không chỉ Hoàng mà khá nhiều HS khi được hỏi đều cho biết, dù Quy chế thi đưa ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho TS, nhưng các em đều mong muốn Bộ GD&ĐT có những thông tin chính xác, cụ thể để yên tâm học tập.

 
Giờ học ôn tập ngữ văn của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. 	Ảnh: Công Hùng
Giờ học ôn tập ngữ văn của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề cấu trúc đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Quy chế đã nêu rõ, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ yêu cầu đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu: Nội dung đề thi đáp ứng quy định; đảm bảo phân loại được trình độ TS, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ); đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ rõ ràng. Để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, từ năm 2010, Bộ đã không ban hành cấu trúc đề thi mà ban hành hướng dẫn ôn tập. “Với xu hướng ra đề thi tăng cường đánh giá năng lực, các em không nên quá chú trọng vào cấu trúc đề thi như trước đây” - ông Ga lưu ý.

Tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh

Để giải đáp băn khoăn của TS và dự kiến công việc sẽ triển khai sau khi có Quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 chính thức, sáng 3/3, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp với ban giám hiệu của 209 trường THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP để phổ biến cụ thể Quy chế, đặc biệt là những điểm mới. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với các nhà trường là thông báo rộng rãi đến từng HS, tránh tình trạng các em không rõ Quy chế mà bị bất ngờ, thiếu chủ động, ảnh hưởng đến tâm lý trước kỳ thi. Giáo viên các nhà trường có trách nhiệm theo sát tình hình học tập và nguyện vọng của HS, kịp thời giải đáp những băn khoăn, khúc mắc từ phía học trò, đồng thời tổ chức có hiệu quả việc dạy học bám sát, đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của từng đối tượng HS...

Thống kê sơ bộ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Hà Nội có gần 80.000 TS dự thi. Dự kiến có 8 cụm thi tại Hà Nội, song do địa bàn rộng, TS đông, mối quan tâm lúc này là sau khi tổ chức cho TS đăng ký dự thi, nếu có nhiều nguyện vọng dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT; hoặc tại các địa bàn vùng núi, vùng xa như Thạch Thất, Ba Vì, Phú Xuyên…, việc đi lại của TS đến các cụm thi quá xa, không an toàn thì phương án tổ chức thi sẽ thế nào? Liệu có thể thành lập cụm thi tại địa phương? Bao giờ Bộ GD&ĐT công bố danh sách các cụm thi?
Trước những điểm mới của Quy chế thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, Sở yêu cầu cán bộ quản lý, lãnh đạo các trường phải nắm chắc các điểm mới trong Quy chế. Bên cạnh đó, các nhà trường tập huấn, hướng dẫn quy chế cho giáo viên, HS. Sau ngày 10/3, Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Về vấn đề này, ông Ga cho biết, tiếp thu ý kiến của dư luận, Quy chế mà Bộ GD&ĐT ban hành đã quy định rõ 2 loại cụm thi: Cụm thi liên tỉnh cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụm thi này tổ chức cho TS của ít nhất 2 tỉnh, thành do trường ĐH chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT. Cùng với đó là cụm thi cho các TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Trong tuần này Bộ GD&ĐT sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo và các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc để chốt danh sách các cụm thi. Sau đó, Bộ sẽ công bố cho các trường và TS biết, chuẩn bị cho kỳ thi. “Mục tiêu của chúng tôi là tạo thuận lợi tối đa cho TS trong công tác thi cử. Vì vậy, chắc chắn việc đi lại của các em sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với các năm trước đây” - ông Ga khẳng định.