Kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng năm 2018: Cơ hội trao đổi kinh nghiệm về dạy và học toán

Trung Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC) năm 2018 có gì khác biệt so với năm trước và đem lại những lợi ích gì cho học sinh (HS)? Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc thi, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng.

 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Thưa ông, công tác chuẩn bị cho kỳ thi HOMC đã được thực hiện thế nào?

- Đây là cuộc thi Toán hoàn toàn bằng tiếng Anh, được triển khai cách đây 15 năm, với các thành viên tham gia là HS đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Hai lứa tuổi dự thi là Junior (HS THCS lớp 8) và lứa tuổi Senior (HS lớp 10 THPT). Trong năm 2018, được sự chỉ đạo của UBND TP, Sở GD&ĐT xây dựng đề án mở rộng cuộc thi này trên toàn quốc và quốc tế. Đến thời điểm này, các công đoạn phục vụ cho kỳ thi như đảm bảo y tế, điện, nước, an ninh, giao thông, địa điểm kỳ thi đến nơi ăn, ở cho các đoàn khách quốc tế đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng.

Ông có thể cho biết kỳ thi năm nay có gì khác biệt so với kỳ thi những năm về trước?

- Kỳ thi sẽ diễn ra từ 26 - 30/3, trong đó, thí sinh chỉ thi duy nhất ngày 27/3, còn lại là các hoạt động hội thảo, tham quan và giao lưu giữa các đội. Điều khác biệt của kỳ thi năm nay là lần đầu tiên có sự tham dự của thí sinh quốc tế đến từ 10 quốc gia. Thí sinh dự thi HOMC 2018 được chia làm 2 bảng, gồm bảng A (khối quốc tế), bảng B (khối trong nước). Đề thi và bài làm của HS được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đến thời điểm hiện tại, bảng A có 87 thí sinh đến từ 10 quốc gia: Ba Lan, Ghana, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Hungary và Việt Nam.
Đại diện cho Việt Nam tại bảng A là các thí sinh đến từ 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Bảng B có sự tham gia của 411 thí sinh đến từ 22 tỉnh, TP trong cả nước. Ở bảng B chỉ có nội dung thi cá nhân. Tuy nhiên, năm nay đề thi cá nhân ở bảng A và B giống nhau để có thể so sánh trình độ của HS trong nước và HS quốc tế.
 Đoàn Ba Lan tham dự kỳ thi Toán học Hà Nội tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Đề thi, cách thức chấm thi và thành phần ban giám khảo có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế không, thưa ông?

- Hội đồng đề thi và ban giám khảo là những GS, TS, các nhà giáo hàng đầu về toán học ở trong nước, đồng thời còn có sự tham gia của một GS.TS toán học danh tiếng của Ba Lan tham gia giám sát toàn bộ quá trình ra đề. Tại bảng A, do là lần đầu tiên có sự tham dự của các thí sinh quốc tế nên việc chấm thi và phản biện được thực hiện công khai theo cách thức của các kỳ thi quốc tế. Bài thi sau khi chấm xong sẽ photo gửi về cho các đoàn để phản biện nhằm đưa ra kết quả chính xác, công bằng nhất. Sức hút lớn nhất của kỳ thi này chính là sự minh bạch.

Cơ cấu giải thưởng tính thế nào với 2 bảng A và B (quốc tế và Việt Nam)?

- Về cơ cấu giải thưởng, có 60% là giải cá nhân, trong đó 10% giải huy chương Vàng, 20% huy chương Bạc và 30% huy chương Đồng. Ngoài ra, còn có giải Nhất, Nhì, Ba cho các giải đồng đội.

Năm nay có sự tham dự của các đoàn HS quốc tế, sẽ mang lại lợi ích gì cho HS cũng như giáo viên Việt Nam?

- Kỳ thi này quan trọng nhất không phải nằm ở giải thưởng, mà là cơ hội rất tốt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy học Toán theo tinh thần đổi mới; là dịp để quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đến bạn bè quốc tế. Ngoài những buổi thi, hội thảo, giao lưu, các em HS quốc tế được đến thăm làng nghề, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, các thí sinh quốc tế và Việt Nam sẽ tham gia giao lưu văn hoá, trình diễn các tiết mục đặc sắc mang phong cách, bản sắc riêng của mỗi nước.

Xin cảm ơn ông!