Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Có nên duy trì xét tốt nghiệp cộng điểm lớp 12?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT công bố Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức theo hướng ổn định về cơ bản như năm 2020. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ sớm cho biết kỳ thi này có lấy kết quả để xét tuyển đại học (ĐH), cách tính điểm tốt nghiệp thế nào?

Học sinh trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông). Ảnh: Trần Oanh
Chắt chiu thời gian học và ôn tập
Nhiều lãnh đạo trường THPT và giáo viên ủng hộ Bộ GD&ĐT thông báo sớm việc giữ ổn định Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như năm trước. Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) Vũ Thị Phương Anh cho biết, nhiều trường ĐH đang có xu hướng thay đổi cách xét tuyển, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn được duy trì như năm trước là cần thiết để nhà trường và học sinh (HS) chủ động kế hoạch dạy học, ôn thi. Theo Trợ lý Ban Giám hiệu trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Văn Khoa, khi có thông tin sớm về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhà trường sẽ rà soát lại chương trình của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là chương trình giảm tải để xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp. Bên cạnh số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường xếp ít nhất 2 tiết tăng cường với các môn Toán, Văn, Anh và các môn tổ hợp; nhưng không ảnh hưởng đến các bộ môn khác vì trường học 2 buổi/ngày. Nhà trường cũng cho HS đăng ký tổ hợp thi tốt nghiệp THPT ngay từ đầu năm học, bố trí đảo lớp học để các em học cùng nhau; lên kế hoạch thi thử 5 lần...

Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã xây dựng kế hoạch dạy, học từ đầu năm, cơ bản tương tự như năm học 2019 – 2020. Do dịch Covid-19 nên phần cuối năm học trước và đầu năm học này trường cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán của trường THPT Lương Thế Vinh cho hay: Hằng năm, trường Lương Thế Vinh luôn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% và tỷ lệ đỗ ĐH thuộc top đầu của cả nước, vì thế nhà trường rất chắt chiu thời gian của năm học, tạo điều kiện tốt nhất cho các em HS và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là với lớp 9 và lớp 12. Nhà trường coi trọng tất cả các môn, để tránh tình trạng học lệch và để đánh giá khách quan; kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ của các môn đều được tổ chức thi và chấm tập trung tại trường. Từ kết quả đó có thể rút ra các đánh giá và điều chỉnh phương án dạy học phù hợp.

Xét tốt nghiệp cộng điểm lớp 12, nếu thi “2 trong 1”

Một vấn đề đang được các nhà trường và phụ huynh, HS quan tâm nhiều, đó là điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có được dùng để xét tuyển ĐH? “Chúng tôi thấy kỳ thi “2 trong 1” (kết quả thi dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH) giảm được áp lực thi cử. Nếu cứ để các em HS thi tốt nghiệp THPT, sau đó tất tả thi vào các trường ĐH rất vất vả. Bởi kiến thức rộng mênh mông; thi trắc nghiệm và thi tự luận có cách học khác nhau; mỗi trường ĐH lại ra đề một kiểu. Theo tôi, Bộ vẫn nên duy trì kỳ thi “2 trong 1”, với 30% câu hỏi trong đề cực khó để phân loại HS” – bà Phương Anh kiến nghị. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chung cho mọi đối tượng HS từ miền núi đến biên giới, hải đảo; vì vậy, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng tăng mức độ khó đề thi để phân loại HS nhưng đảm bảo các em có thể đạt điểm mức độ trung bình.

Trước thực tế, hầu hết các tỉnh, TP đều có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thấp hơn điểm trung bình học bạ, dao động từ 0,32 – 1,7 điểm, một số ý kiến đề xuất không cộng điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp. Từ thực tế dạy học, một giáo viên trường THPT ở quận Cầu Giấy thừa nhận: “Cách tính điểm tốt nghiệp: 70% điểm trung bình các bài thi tốt nghiệp và 30% điểm trung bình học bạ năm lớp 12 vẫn còn khe hở để các trường nâng điểm cho HS dễ đỗ tốt nghiệp. Nếu chấm điểm thực sự nghiêm túc, sẽ không thể đạt mốc trên 90% HS đỗ tốt nghiệp”. Nhưng, bỏ hẳn điểm học bạ sẽ mâu thuẫn với quan điểm giáo dục toàn diện, tạo cảm giác Bộ GD&ĐT không tin tưởng vào điểm của quá trình dạy học ở THPT; trong khi xu hướng số trường ĐH xét điểm học bạ ngày càng tăng. Chỉ ra 3 mâu thuẫn này, ông Trần Mạnh Tùng kiến nghị vẫn giữ cách tính điểm xét tốt nghiệp như năm 2020. Theo bà Phương Anh, nếu Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 mang mục đích “2 trong 1” thì cách tính điểm vẫn là 70% – 30%. Vì đề thi “2 trong 1” có 70% câu hỏi mức độ cơ bản, 30% câu hỏi khó đồng nghĩa với HS có học lực trung bình chỉ đạt được 3,5 điểm, trong khi quy định 5 điểm mới đỗ tốt nghiệp.

Tại thời điểm này, các nhà trường cũng mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố đề thi minh họa để gút lại kiến thức trọng tâm, kỹ năng trọng điểm giúp cho việc học nhẹ nhàng, đơn giản và hiệu quả hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (có các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học); bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.