Kỳ vọng 2019

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, là 4 mục tiêu lý tưởng mà mọi quốc gia đều hướng đến.

Năm 2018, “tứ giác mục tiêu” của Việt Nam được đánh giá là đẹp, năm 2019 tứ giác này sẽ như thế nào?
Vẻ đẹp của tứ giác 2018

Tăng trưởng kinh tế là “đỉnh” đạt được nhiều sự vượt trội. Theo đó, tăng trưởng đạt kết quả kép: vừa cao hơn tốc độ tăng của năm trước (6,82%), cao nhất tính từ năm 2008 đến nay, lần đầu tiên sau 10 năm đã trở lại mốc 7%; vừa vượt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5 - 6,7%)…. Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành (nông, lâm nghiệp - thủy sản phục hồi tăng trưởng; Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao, còn ngành khai khoáng giảm với tốc độ thấp hơn năm trước; Dịch vụ tiếp tục tăng cao và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành).
 
Do tỷ giá VND/USD tăng thấp hơn CPI và tăng trưởng GDP cao, nên quy mô nền kinh tế tính bằng USD tăng khá. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái GDP lần đầu tiên vượt qua mốc 240 tỷ USD; nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương, lần đầu tiên vượt qua mốc 730 tỷ USD. Do quy mô GDP lớn lên và dân số tăng thấp (dưới 1,1%), nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD tăng khá: Nếu tính theo tỷ giá đối đoái đạt 2.570 USD; nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương đạt 7.320 USD. Đây là tiền để để chống nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, nguy cơ “sập bẫy trung bình” hay “chưa giàu đã già”.

Cùng với tăng trưởng về tốc độ là chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cao hơn, nhưng do GDP tăng cao, nên hiệu quả đầu tư tăng lên (hệ số ICOR giảm từ 6,11 lần xuống còn 6,01 lần - tức là để tăng 1 đồng GDP, nếu năm trước phải đầu tư 6,11 đồng, thì năm nay chỉ phải đầu tư 6,06 đồng).

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp hơn mục tiêu. Sản xuất ở trong nước đã lớn hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước và xuất siêu với nước ngoài. Giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, nhưng do tỷ giá VND/USD tăng thấp, bình quân năm nay tăng thấp hơn năm trước (1,2% so với 1,4%), nên tác động không lớn đến giá cả sản phẩm tính bằng VND. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 4 năm qua (dưới 15%). Giá vàng tăng thấp hơn năm trước (3% so với 3,51%); giá USD ổn định... nên tác động thấp đến tâm lý kỳ vọng lạm phát. Các giải pháp điều hành của Chính phủ vừa chủ động, vừa linh hoạt.
 TỨ GIÁC CỦA 2018 VÀ KỲ VỌNG 2019 (%) (Nguồn: - 2018: Tổng cục Thống kê; - Kỳ vọng 2019: Quốc hội và Chính phủ.)
Cán cân thanh toán thặng dư lớn, lớn nhất trong nhiều năm qua. Cán cân thanh toán thặng dư do nhiều yếu tố. Xuất khẩu hàng hóa đạt nhiều điểm vượt trội. Quy mô đạt trên 240 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay, lần đầu tiên vượt quá GDP (và nếu tính cả nhập khẩu thì lớn gấp đôi GDP); nếu kể cả xuất/nhập khẩu dịch vụ còn cao hơn nữa, chứng tỏ độ mở của kinh tế Việt Nam nằm trong TOP 3 thế giới. Bình quân đầu người đạt 2.535 USD, cao hơn nhiều so với năm trước. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cao; đạt được ở nhiều mặt hàng, ở cả 2 khu vực (trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn), ở nhiều địa bàn và ở nhiều thị trường. Năm 2018 đạt trên 1 tỷ USD có 30 mặt hàng (trong đó lần đầu tiên có một mặt hàng đạt trên 50 tỷ USD), có 28 địa bàn (trong đó lần đầu tiên có 2 địa bàn vượt qua mốc 30 tỷ USD), có 30 thị trường (trong đó lần đầu tiên có một thị trường vượt qua 40 tỷ USD). Do xuất khẩu có quy mô lớn hơn và tăng cao hơn nhập khẩu, nên đã xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay (6,4 tỷ USD).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước thực hiện 18,5 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục đã đạt trong năm trước (17,5 tỷ USD). Vốn đầu tư gián tiếp ước đạt 1,9 tỷ USD. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam (xuất khẩu dịch vụ du lịch) ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng 15% so với mức kỷ lục đạt được trong năm trước. Lượng kiều hối theo công bố của Wolban là 15,9 tỷ USD, cao hơn mức kỷ lục 13,8 tỷ USD trong năm trước...

Cán cân thanh toán thặng dư, cộng với tâm lý giảm găm giữ do các giải pháp điều hành (lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, tiếp tục thực hiện tỷ giá trung tâm, lãi suất gửi ngoại tệ bằng 0...) đã góp phần đưa dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục (trên 60 tỷ USD), đạt ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế (tương đương 12 tuần nhập khẩu).

Tỷ lệ thất nghiệp năm 2017 của cả nước là 2,24%, trong đó thành thị 3,18%, nông thôn 1,78%. Kế hoạch năm 2018 đề ra ở khu vực thành thị là dưới 4%, thực tế theo Báo cáo của Chính phủ là 3,14%, tức là vượt kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp chủ yếu do có bệ đỡ là khu vực nông thôn rộng lớn, tỷ trọng lao động khu vực phi chính thức cao

Năm 2019: Hài hòa, thận trọng

Năm 2019, Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6 -6,8%, CPI bình quân khoảng 4%, xuất khẩu tăng 7 - 8%, tỷ lệ nhập siêu dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%... Với sự hài hòa và thận trọng như trên, thì việc hoàn thành mục tiêu trên là không quá khó, kỳ vọng có thể đạt được, thậm chí vượt mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên có một số điểm cần chú ý.

Nếu mục tiêu tăng trưởng cao hơn thì nhiều mục tiêu khác cũng phải được điều chỉnh theo, nhất là tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cao hơn 33 - 34%, xuất khẩu tăng cao hơn (7 - 8%) và giảm tỷ lệ nhập siêu (3%), thậm chí xuất siêu để tăng sản xuất...

Do còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhất là trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong khi cơ sở hạ tầng nông nghiệp còn nhiều yếu kém, hạn chế, thách thức về tiêu thụ... thì tăng trưởng nông, lâm nghiệp - thủy sản khó tăng cao như năm 2018. Những hạn chế bất cập về chất lượng tăng trưởng (hiệu quả đầu tư còn thấp, mức năng suất còn thấp...), tính gia công lắp ráp trong công nghiệp còn lớn, tính thị trường còn hạn hẹp... Riêng CPI còn cần chú ý đến giá điện, giá một số dịch vụ năm trước chưa tăng hết hoặc còn bị hoãn sẽ phải thực hiện vào năm nay sẽ làm tăng CPI như dự kiến.

Tác động của những bất ổn từ bên ngoài khó lường, trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sẽ dễ bị tác động lớn, tác động ngay và cùng một lúc trên nhiều mặt. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết và đưa vào thực hiện tuy tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng gây ra nhiều thách thức - mà kinh nghiệm trong nhiều năm qua cho thấy ban đầu thách thức thường lớn hơn do các đối tác khai thác nhanh hơn, thực hiện nhiều hơn, còn Việt Nam khai thác chậm hơn, thực hiện ít hơn, đến khi “tỉnh ngộ” thì cơ hội đã qua đi, còn thách thức mới giảm dần. Bài học kinh nghiệm khi mở cửa với Trung Quốc vào 1989 - 1996, với ASEAN vào 1995 - 1996, với Hàn Quốc vào 2015 - 2016... đã cho thấy trạng thái đó.

Một điểm khác cần lưu ý là cuộc khủng hoảng chu kỳ 10 năm 1 lần được dự báo sẽ đến vào năm 2019, 2020...