Kỳ vọng gì khi ngân hàng được nới room tín dụng?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, bắt đầu từ ngày 10/7.


Với room tín dụng này, từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ phải tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi nửa đầu năm để đạt được mục tiêu 14% cả năm.

Như vậy, một khối lượng lớn vốn sẽ được bơm ra nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ của DN và nền kinh tế ra sao là câu chuyện cần được tính toán đến.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Còn trước đó, tăng trưởng tín dụng đến 15/6 mới chỉ đạt 3,36%.

Với mức tăng trưởng tín dụng 4,73% trong nửa đầu năm, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế khoảng 560.000 tỷ đồng.

Và để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, viêc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc phân bổ và nâng room cho một số ngân hàng cũng không phải là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Điều kiện đủ của tăng trưởng tín dụng đến từ 2 yếu tố, đó là kinh tế hồi phục và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các DN. Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mặt bằng cao và đầu ra của tín dụng được cho là vẫn khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của DN.

Vì thế, dù ngày đầu tiên đón nhận thông tin này, hàng loạt mã ngân hàng và một số ngành khác xanh ngắt, tuy nhiên, về lâu dài, thông tin này không có tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Ngay từ đầu năm, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15%

Liên quan đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán, việc huy động vốn phụ thuộc vào môi trường kinh tế và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn phụ thuộc nhu cầu của DN có đang cần vốn, có khả năng hấp thụ và sử dụng vốn hay không.

Năm 2022 và đầu năm 2023 chứng kiến khó khăn của môi trường vĩ mô của thị trường quốc tế nói chung và thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam nói riêng. Cùng đó, nhiều yếu tố khiến cho huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như mặt bằng lãi suất cao, mặc dù NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất cơ bản, nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Hiện, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhận định cho năm 2023, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 10%, thấp hơn so với mục tiêu 14 - 15% của NHNN.

Trước đó, ngày 21/6, tại họp báo do NHNN tổ chức, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã thông tin về room tín dụng. Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm là 11%, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 3,36%. Nghĩa là các ngân hàng còn rất nhiều dư địa cho vay.

Ông Tú cho biết, thanh khoản của toàn nền kinh tế đang rất dồi dào nhưng không thể tăng trưởng tín dụng bằng cách hạ chuẩn tín dụng, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh hay không. Tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với bảo đảm chất lượng tín dụng và hiệu quả tín dụng.