Kỳ vọng thực thi Nghị định 80/2023/NĐ-CP minh bạch hóa thị trường xăng dầu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 80) về kinh doanh xăng dầu được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá là bước tiến mới quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu. Nghị định này được kỳ vọng khi thực thi sẽ giúp thị trường xăng dầu trong nước minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh.

Hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp trong chuỗi xăng dầu

Nhiều chủ đại lý bán lẻ xăng dầu phấn khởi cho biết, Nghị định 80 quy định đại lý bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa 3 thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đây là phương án rất khả thi khi cho phép đại lý chọn, thay đổi đơn vị cấp hàng, linh hoạt về nguồn, nhất là khi thị trường xăng dầu có nhiều biến động.

Nghị định 80 quy định doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 đầu mối xăng dầu. Ảnh minh họa 
Nghị định 80 quy định doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 đầu mối xăng dầu. Ảnh minh họa 

Giám đốc Công ty Thương mại Xăng dầu Hà Giang Hà Thanh Tùng chia sẻ: “Nghị định mới cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 nơi, sẽ giúp chiết khấu được cải thiện, doanh nghiệp bán lẻ sẽ giảm bớt tình trạng bị chèn ép hoa hồng như thời gian qua. Chúng tôi rất kỳ vọng khi thực thi Nghị định 80 sẽ giúp cho những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bớt thiệt thòi và không lặp lại cảnh thua lỗ như giai đoạn cuối năm 2022”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải Nguyễn Đức Hạnh cho hay, doanh nghiệp bán lẻ được phép lấy hàng ở 3 đầu mối là quyết định đúng đắn, giúp doanh nghiệp bán lẻ có nhiều hơn sự lựa chọn trong kinh doanh, minh bạch chi phí kinh doanh. Quy định này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ chủ động đàm phán về vấn đề chiết khấu, lợi nhuận, không phải chịu sự o ép như một số thời điểm. Đây cũng là vấn đề mấu chốt dẫn đến nguồn cung xăng dầu đôi lúc bị gián đoạn như năm vừa qua.

Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa, việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng. Theo đó, khi thị trường xăng dầu được minh bạch sẽ tránh được thị trường xăng dầu bị ách tắc, doanh nghiệp người tiêu dùng mua bán sẽ thuận lợi hơn, không còn tình trạng xếp hàng mua xăng dầu như thời gian trước.

“Với hơn 200 đầu xe đang hoạt động trên các tuyến vận tải đường dài, hàng tháng, Delta phải trả hơn 4 tỷ đồng tiền dầu để có đủ nhiên liệu vận hành. Vì vậy, khi doanh nghiệp xăng dầu đảm bảo được nguồn cung, cấp dầu đầy đủ cho phía công ty sẽ tại thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải hoạt động, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải hàng hóa” – ông Trần Đức Nghĩa bày tỏ.

Hoàn thiện cơ chế quản lý, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, Nghị định 80 đã giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần để cập nhật sát hơn  giá xăng dầu trên thế giới. Ảnh minh họa
Giá xăng sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần để cập nhật sát hơn  giá xăng dầu trên thế giới. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp cơ quan điều hành quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động thất thường.

Cụ thể, khi điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần sẽ cập nhật sát hơn tình hình giá xăng dầu trên thế giới, giảm bớt rủi ro khi giá xăng tăng quá cao hoặc xuống quá thấp trong thời gian ngắn như năm 2022.

Nghị định 80 cũng quy định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng.

Quy định này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa. “Tôi kỳ vọng khi đi vào thực tế, Nghị định 80 sẽ giúp quản lý xăng dầu theo chiều hướng cạnh tranh hơn, theo hướng thị trường hơn” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Đánh giá cao Nghị định số 80 là bước tiến về quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu, TS Vũ Vinh Phú cho rằng, điểm tích cực nhất của nghị định mới là đã giảm bớt trung gian, bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu trong chuỗi cung ứng là đơn vị trung gian bán buôn, giúp giảm bớt chi phí.

Nghị định 80 cũng có những điều khoản siết lại kỷ cương trong thị trường xăng dầu, làm rõ quy chế thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu khi doanh nghiệp làm không tốt. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.

 

Nghị định được xây dựng theo quy trình rút gọn để thay thế Nghị định 83 và 95, giúp giải quyết được những vấn đề mới phát sinh của thị trường xăng dầu. Sau khi Nghị định 80 được ban hành, Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới.