Lãi suất đang dần đảo chiều giảm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan điều hành thị trường đã và đang bơm mạnh tiền qua thị trường mở (OMO) và được các tổ chức tín dụng hấp thụ khối lượng khá lớn so với nhiều tuần qua.

Cầu trái phiếu chính phủ tăng mạnh các kỳ hạn dài cho thấy kỳ vọng về lãi suất  của các ngân hàng đang giảm dần, đây là dấu hiệu tích cực về thanh khoản trên thị trường tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng, lãi suất liên ngân hàng giảm
Theo Bản tin trái phiếu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), lãi suất liên ngân hàng tuần từ 17 - 21/4 có xu hướng giảm khá mạnh (biên độ từ 0,26% - 0,98%) đối với tất cả các loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,26% về mức 4,55%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,98% về mức 3,73%/năm. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp trong tuần qua. Theo BVS đánh giá, "lãi suất liên ngân hàng giảm trong tuần cho thấy thanh khoản hệ thống tuần qua bắt đầu cân bằng trở lại".

Giao dịch tại chi nhánh BaoViet Bank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng vốn vào thị trường. Tuần trước, NHNN đã bơm mới 38.000 tỷ đồng qua thị trường OMO, trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 28.023 tỷ đồng. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp NHNN bơm ròng vốn vào thị trường.  Trong 5 tuần trước đó, NHNN đã liên tiếp bơm ròng 40.263  tỷ đồng vào thị trường. “Việc NHNN bơm vốn qua thị trường mở, cộng với việc không phát hành tín phiếu đối với tất cả các loại kỳ hạn đã tạo cho thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào hơn, khiến cho áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường giảm xuống đáng kể”-  các chuyên gia tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn đánh giá, lãi suất có thể ổn định, thậm chí giảm trở lại nếu tăng trưởng tín dụng và huy động được tái cân bằng.
Một diễn biến nữa là cầu trái phiếu Chính phủ tăng mạnh các kỳ hạn dài. Tính từ đầu năm, lượng phát hành thành công của Kho bạc Nhà nước ước đạt 68.000 tỷ đồng, hoàn thành 37,1% kế hoạch cả năm. Trong kỳ, các mức lãi suất trúng thầu có xu hướng giảm cho thấy kỳ vọng về lãi suất của các ngân hàng đang giảm dần, đây là dấu hiệu tích cực về thanh khoản trên thị trường tiền tệ.
Lãi suất có xu hướng giảm
Ý kiến trên được ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đưa ra trong bối cảnh Chính phủ ra thông điệp yêu cầu ngành ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, từ đó giảm chi phí vay vốn cho DN. “Tại VCB, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp” - ông Hà cho biết.
Vietcombank, VietinBank và BIDV đều công bố cho vay ngắn hạn với mức lãi suất tối đa chỉ 6%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Tại khối ngân hàng cổ phần, sau khi tăng trong đầu tháng 3, lãi suất đang có dấu hiệu giảm. Như VPBank mới đây đã thực hiện giảm 0,3% một năm kỳ hạn gửi 15 tháng xuống còn 7,3% một năm, các kỳ hạn từ 7 - 12 tháng giảm 0,1% về tương ứng 6,9% và 7,1% một năm. Hay Ngân hàng Bản Việt cũng đưa ra thông báo giảm 0,1% ở kỳ hạn tiền gửi 18 - 60 tháng, xuống còn 7,8% một năm. Trong khi đó, Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank) lại giảm 0,2% mức lãi đầu vào kỳ hạn 18 - 36 tháng, từ 7,4% về còn 7,2% một năm... "Các ngân hàng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống không còn căng thẳng, đó chỉ là hoạt động bình thường nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Đầu vào hạ nhiệt, cùng với sự cạnh tranh giành khách hàng diễn ra gay gắt... buộc nhiều nhà băng tính toán, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với DN” - TS Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc BIDV nhận xét.
Trong khi đó, theo một số DN, các khoản vay trung và dài hạn của họ vừa được các ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,25 - 0,5% tùy từng gói sản phẩm.
Rủi ro tiềm ẩn khiến việc hạ lãi suất cho vay đồng loạt ở các ngân hàng từ nay đến cuối năm diễn ra không suôn sẻ, trong đó có thể kể đến như biến động bất lợi về tỷ giá, lạm phát, quy mô nợ xấu... Để ổn định lãi suất, NHNN có thể tăng cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở và các kênh khác, đồng thời với việc thực thi chính sách ổn định tỷ giá để hạn chế đầu cơ.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính - Bộ Tài chính