Lãi suất huy động “dò đáy”

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ đầu tháng 2/2024 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn theo chiều hướng giảm.

Nhiều ngân hàng hạ lãi suất

Mới đây, MB đã điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất ở tất cả các kỳ hạn, trung bình 0,1 - 0,3 điểm phần trăm. Mức lãi suất cao nhất tại MB chỉ 5,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 - 60 tháng. Trước đó, ngày 22/2, CBBank cũng công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, tại kỳ hạn 1 - 2 tháng giảm còn 3,5%/năm; từ 3 - 5 tháng hiện là 3,7%/năm; từ 6 - 12 tháng lãi suất còn 4,8% - 4,95%/năm. Lãi suất ngân hàng cao nhất tại CBBank tại kỳ hạn từ 13 tháng trở lên khi niêm yết ở mức 5,2%/năm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, NCB đã thông báo giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, theo biểu lãi suất huy động trực tuyến tại NCB, kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3 điểm %. Lãi suất huy động kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 4,65%/năm, 9-11 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 4,75%/năm.

Thống kê từ đầu tháng 2 đến nay, có hơn 20 đơn vị giảm lãi suất huy động trong khoảng một tháng trở lại đây. Trong đó, nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất ngay trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Bao gồm LPBank, NCB, Viet A Bank, SeABank, Techcombank, VIB, Eximbank, BVBank, KienLong Bank, ABBank, Bac A Bank, PGBank. Trong đó, VIB, NCB là những nhà băng đã giảm lãi suất lần thứ hai kể từ đầu tháng.

Các ngân hàng vẫn đang niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường bao gồm 4 "ông lớn" Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank. Trong đó, ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất kỳ hạn 3 tháng là Agribank và Vietcombank với 2%, thấp nhất kỳ hạn 6 - 9 tháng là Vietcombank với 3%. Kỳ hạn 12 - 18 tháng, ngoại trừ Vietcombank đang niêm yết mức lãi suất 4,7%/năm thì 3 ngân hàng còn lại trong Big4 đều giữ lãi suất 4,8%/năm.

Khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng, các kỳ hạn từ một năm trở xuống thường là lựa chọn của đa số người dân. Hiện, phần lớn nhà băng niêm yết lãi suất không quá 5% với các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở xuống. Với các kỳ hạn dài hơi hơn, từ 15-24 tháng trở lên, vẫn có ngân hàng trả lãi suất 5-6% cho người gửi tiền nhằm khuyến khích dòng tiền dài hạn. Theo đó, ngân hàng OCB đang áp dụng lãi suất 6%/năm và Sacombank là 6,2%/năm.

Tín dụng tăng thấp, thanh khoản dồi dào

Lãi suất huy động thấp chưa từng có là hệ quả của việc giới nhà băng "thừa tiền trong kho". Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 là -0,6% và tính đến ngày 16/02 là -1%. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1/2024 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (-2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (-1,3%) hay MB (-0,7%). Dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.

Thanh khoản dồi dào là tốt nhưng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống bất chấp lãi suất giảm sâu, theo phó tổng giám đốc một nhà băng quốc doanh cũng là điều đáng lo khi dòng tiền không luân chuyển vào sản xuất hay đầu tư. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế theo lãnh đạo này, chưa thể sớm khởi sắc, do đó mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2024.

Đầu năm nay, NHNN đã giao room tín dụng cho các nhà băng với mức tăng trưởng 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng bơm vào nền kinh tế. Con số này nhiều hơn năm 2023 khoảng 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, trong văn bản mới nhất, cơ quan này yêu cầu đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 20/2, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đầu năm nay NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Dự báo các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động nhằm tạo dư địa cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm. Do đó, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở mức thấp như hiện nay đến hết quý II, và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại. Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1%.