Lãi suất ngân hàng trung ương: Vì đâu châu Á dám đi ngược phương Tây?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối mặt với lạm phát cao, các ngân hàng trung ương phương Tây liên tục tăng lãi suất, trong khi những thể chế tương tự ở châu Á duy trì lãi suất nới lỏng, thậm chí là cắt giảm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 500 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022 đến nay, và dự kiến ​​tăng thêm 50 điểm trong năm 2023, trước khi nới lỏng chính sách vào năm tới. Còn tại Vương quốc Anh, 18 tháng trở lại đây chứng kiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thắt chặt chính sách với tốc độ nhanh chưa từng có trong hơn 30 năm qua.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất cơ bản thêm 400 điểm so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư không nên hy vọng về bất cứ sự cắt giảm nào trong vòng 2 năm tới. Các điều kiện tài chính hạn chế đã đẩy Đức, nền kinh tế đầu tầu châu Âu, vào suy thoái trong quý đầu tiên của năm nay, trong khi kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy giảm trong nửa cuối năm 2023.

Mặt khác, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - ví dụ điển hình về một châu Á "tự chủ" hơn trước - đã có 3 lần hạ lãi suất chính sách quan trọng và 5 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ năm 2021. Các nhà quan sát dự kiến PBoC ​​sẽ còn cắt giảm nhiều hơn nữa trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đang kiên định tuân thủ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình, với việc tân Thống đốc BoJ Kazuo Ueda khẳng định rằng lạm phát ở nước này - vốn được xem là cao đối với nền kinh tế số 3 thế giới nhưng vẫn ở mức trung bình so với quốc tế - có thể chỉ là "tình trạng nhất thời".

Các nhà kinh tế của Viện Nghiên cứu Nomura đã gọi sự khác biệt Đông - Tây này là "sự tách rời trong tương lai" của chính sách tiền tệ, chủ yếu phản ánh nhu cầu trong nước yếu hơn, lạm phát giảm nhanh hơn và dư địa nới lỏng tiền tệ lớn hơn ở nhóm các quốc gia châu Á mới nổi.

Việc tách rời, nếu thực sự xảy ra, sẽ đánh dấu sự phá vỡ khuôn mẫu trong quá khứ. Nikkei Asia dẫn lời ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á ngoài Nhật Bản tại Nomura, cho biết: "Thông thường, các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi sẽ đợi cho đến khi các ngân hàng trung ương ở thị trường phát triển bắt đầu thay đổi định hướng chính sách tiền tệ, đặc biệt là trong việc cắt giảm lãi suất, bởi nếu không, hệ thống tiền tệ trong nước có thể chịu áp lực".

Các nền kinh tế định hướng sản xuất ở châu Á mới nổi cũng bị ảnh hưởng nặng nề hơn do tình trạng sản xuất toàn cầu giảm tốc, khi nhu cầu đối với điện thoại thông minh, chất bán dẫn và máy tính sản xuất trong khu vực giảm mạnh do đại dịch Covid-19.

Agustin Carstens, người đứng đầu Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - một cơ quan bảo trợ cho các ngân hàng trung ương - thừa nhận rằng hiện đã có một hướng đi mới cho các nền kinh tế mới nổi.

Carstens nói với Nikkei Asia: "Các thị trường mới nổi đã quen hơn với việc chống lạm phát, và nhanh nhẹn hơn để đối phó với áp lực lạm phát. Hơn nữa, họ đã không thực hiện các gói kích thích hào phóng như các nền kinh tế tiên tiến để đối phó với Covid-19 hay chiến sự ở Ukraine... Đó là 2 khía cạnh chính có thể đã tạo ra sự khác biệt giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế tiên tiến."

Trong khi sự phân đôi giữa các ngân hàng trung ương chính của phương Tây với của Trung Quốc và Nhật Bản là rất rõ ràng, thì tình hình tỏ ra "kiềm chế" hơn ở những nơi khác trong khu vực.

Chẳng hạn, sau khi giữ nguyên chính sách trong cuộc họp thứ 5 liên tiếp hôm 22/6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo cho biết các quyết định về lãi suất sẽ được điều chỉnh hàng tháng. Các nhà kinh tế của HSBC dự báo Indonesia sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất khi có cảm giác rõ ràng rằng lãi suất của Fed đã đạt đỉnh.

Hay tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương nước này là một trong những ngân hàng đầu tiên bắt đầu chu kỳ thắt chặt. Nhưng Capital Economics hiện nhận thấy ngân hàng này đã bắt đầu nới lỏng ngay từ tháng 8 tới, khi lạm phát tại Hàn Quốc đã giảm xuống 2,7% trong tháng 6, là mức thấp nhất trong 21 tháng qua.

Theo các nhà kinh tế của Nomura, trong khi việc xoay trục chính sách tiền tệ vào thời điểm lãi suất của Mỹ tăng có thể sẽ kích hoạt dòng vốn lớn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, một số nước đã xây dựng bộ đệm dự trữ ngoại hối đủ lớn để chống lại khả năng này.

Kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, Ấn Độ và Hàn Quốc đã tăng dự trữ ngoại hối lên hơn 20 lần. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan đã xây dựng dự trữ lớn hơn tổng số nợ nước ngoài của họ - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy.

"Tôi nghĩ rằng châu Á có đủ khả năng để đưa ra các chính sách tiền tệ khác nhau trong 12 tháng tới so với Fed" - chuyên gia Subbaraman của Nomura nhận định - "Tôi nghĩ đó là điều tự nhiên, bởi quy mô các nền kinh tế châu Á đang ngày càng lớn hơn. Thị trường vốn của họ ngày càng lớn hơn, và vì vậy họ đang trở nên ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Họ cũng có có một thị trường nội địa lớn hơn".

Các nhà kinh tế tại HSBC, trích dẫn Indonesia làm ví dụ, đã viết rằng: "Sức mạnh tài chính mạnh hơn có nghĩa là chính sách tiền tệ sẽ trở nên tự do hơn trước sự thống trị của đồng USD".

Các nhà kinh tế tin rằng: "Sự độc lập này sẽ còn tăng lên theo thời gian, cho phép Ngân hàng Trung ương Indonesia tập trung hơn vào các cân nhắc trong nước khi hoạch định chính sách tiền tệ - được cho là có được sự kết hợp giữa tăng trưởng và chống lạm phát tốt hơn".

Thực tại đánh dấu sự phá vỡ khuôn mẫu trong quá khứ, khi các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi vốn thường "nghe theo" sự thay đổi của các ngân hàng trung ương ở thị trường phát triển.
Thực tại đánh dấu sự phá vỡ khuôn mẫu trong quá khứ, khi các ngân hàng trung ương ở thị trường mới nổi vốn thường "nghe theo" sự thay đổi của các ngân hàng trung ương ở thị trường phát triển.

Tuy nhiên, Subbaraman của Nomura lưu ý rằng "Nhật Bản là một ngoại lệ", nhưng ông cũng cho rằng điều này "có lẽ sẽ thay đổi theo thời gian".

Nhật Bản - từ lâu đã áp dụng chính sách tiền tệ ngoại lệ chịu áp lực giảm phát - đã tách khỏi chu kỳ thắt chặt lãi suất toàn cầu cách đây một thời gian, khi BoJ giữ lãi suất mục tiêu ở mức 0 đối với lợi suất 10 năm, và -0,1% đối với lợi suất ngắn hạn.

Việc Nhật Bản tuân thủ chính sách siêu nới lỏng, được thiết kế để thúc đẩy vay mượn và đầu tư, đã khiến đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD vào năm ngoái, và ở mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng euro hồi tháng trước. Điều này đã thúc đẩy lạm phát nhập khẩu và dẫn đến kêu gọi tăng lương, làm tăng khả năng lạm phát tự duy trì lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ tại nước này.

Tình hình khác biệt của Nhật Bản được cho đã làm nổi bật thực tế rằng, dù tách rời hay không, các ngân hàng trung ương cần phải có khả năng hành động một cách tự chủ đối với các xu hướng khu vực.

"Mỗi nền kinh tế đều khác nhau" - ông Carstens bình luận khi nói về BoJ -"Điều quan trọng là các ngân hàng trung ương luôn cam kết xem xét lại các chính sách của mình trong trường hợp cần thiết".