Làm bóng đá kiểu... nhà nghèo

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cùng một thời điểm, có ít nhất 3 đội tuyển quốc gia cùng tập trung cho các hoạt động quốc tế.

Trên lý thuyết thì đây là hoạt động hết sức bình thường nhưng nó lại mang đến gánh nặng thực sự cho cơ quan quản lý và điều hành các đội tuyển trong bối cảnh chẳng mấy dư dả về tiền bạc.

Khi VIP phải theo chân đội tuyển

Đội tuyển Việt Nam đang có mặt tại Tajikistan chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên vòng loại thứ 3 ASIAN Cup 2019. Đối thủ của tuyển Việt Nam chỉ là Afghanistan vốn phải chọn sân trung lập làm sân nhà. Dù đối thủ không quá mạnh, nhưng do là trận mở màn, lại phải đá ở nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sân cỏ nhân tạo nên người ta thấy những thành viên cốt cán nhất của VFF đều có mặt cùng đội tuyển. Từ Trưởng phòng đội tuyển quốc gia đến Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đều đích thân xuất đầu lộ diện.

VFF muốn giành chiến thắng trong trận mở màn. Thế nhưng, vì điều kiện hạn hẹp về tài chính mà quan chức hàng đầu VFF phải đích thân xuất trận. Đơn giản bởi quan điểm của VFF là phải hạn chế tối đa các khoản chi, tích cực tận dụng mối quan hệ hữu hảo với các đối tác để có được điều kiện thuận lợi nhất cho đội tuyển. Nói đâu xa, từ chuyện thuê khách sạn, ăn ở đi lại, tập thêm ở sân chính để làm quen với sân cỏ nhân tạo... đều được tính bằng rất nhiều tiền. Vậy nhưng, nhờ mối quan hệ tốt với Liên đoàn Bóng đá Tajikistan mà VFF đã không phải chi thêm đồng nào. Đặc biệt, cũng nhờ sự can thiệp của đối tác mà cầu thủ Văn Quyết đã nhập cảnh thành công. Trước đó, visa của Văn Quyết gặp trục trặc và thông thường sẽ phải quay lại Việt Nam.

Quan hệ là tiền

VFF vốn chưa bao giờ nhiều tiền dù tổ chức này hàng năm thu được gần 100 tỷ đồng tiền tài trợ, khai thác giá trị thương mại các giải đấu. Thế nhưng, so với hoạt động của hàng chục đội tuyển với rất nhiều đấu trường phải tham gia, số tiền này không thấm tháp vào đâu. Có điều, không thể vì thiếu tiền mà bỏ các sự kiện quốc tế vốn góp phần nâng cao vị thế bóng đá Việt Nam, quảng bá hình đất nước với bạn bè quốc tế.

Vì không giàu có để lên một kế hoạch dài hơi, tốn kém cho các đội tuyển, nên VFF phải tìm đường đến đích theo cách riêng của mình. Tổ chức này đã phải tận dụng mọi mối quan hệ để có thể giúp các đội tuyển hoàn thành mục tiêu về chuyên môn. Nói đâu xa, trong quá trình chuẩn bị cho VCK U20 thế giới, U20 Việt Nam đã hành quân vào Nha Trang để rèn thể lực. Không nhiều người biết vì sao U20 lại chọn Nha Trang làm nơi tập huấn. Không phải vì đó là quê của HLV Hoàng Anh Tuấn, mà ở đó, U20 sẽ được đối tác của VFF lo toàn bộ về chi phí ăn ở, tập luyện. Chưa hết, trong suốt thời gian qua, các đối tác quốc tế liên tục mời U20 Việt Nam sang thi đấu giao hữu. Tất nhiên, VFF không phải trả bất cứ đồng nào cho các chuyến du đấu này cũng nhờ mối quan hệ thân tình.

Không chỉ U20, mà U16, đội tuyển nữ Việt Nam, đội tuyển nam... cũng thường xuyên ra nước ngoài thi đấu với quan điểm “tiết kiệm tối đa”. Các đối tác của VFF lo ăn ở, đi lại nội địa, thậm chí nhiều liên đoàn bóng đá còn đặt cả vé máy bay cho các đội tuyển của Việt Nam sang tham dự giải đấu quốc tế. Thông qua các chuyến đi này, các cầu thủ có điều kiện trui rèn bản lĩnh trận mạc, mà VFF cũng chẳng phải đau đầu với bài toán kinh phí. Tất nhiên, để đẩy mạnh quan hệ quốc tế cần phải có thời gian và không phải cứ muốn là được. Nhưng trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam, quan hệ quốc tế chính là tiền.