Làm gì để di sản Hà Nội hòa mình vào công nghiệp văn hóa?

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị theo cách truyền thống, từ năm 2019 khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới TP sáng tạo của UNESCO thì những người làm di sản đã phải hướng cách kể văn hóa ngàn năm theo phương pháp hiện đại, ứng dụng công nghệ.

Đặc biệt trong năm 2023, có thể được coi là năm di sản Hà Nội được thắp sáng ở mọi góc độ.

Mở cửa di sản về đêm

Rất nhiều du khách nước ngoài đến Hà Nội đều ngỡ ngàng vì không thể thăm di tích, danh thắng của Thủ đô vào ban đêm. Từ năm 2019 trở về trước, cứ thành thông lệ, di tích Hà Nội hoạt động như giờ hành chính công sở: mở cửa lúc 8 giờ sáng và đóng cửa 17 giờ hằng ngày. Chính vì vậy, đến tháng 7/2020, di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi đầu tiên khai trương tour “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt”.

Du khách như được sống trong không gian của một buổi chầu tại điện Kính Thiên trong tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thành Đạt
Du khách như được sống trong không gian của một buổi chầu tại điện Kính Thiên trong tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thành Đạt

Nhiều ý kiến bày tỏ Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò quá mạnh bạo. Bởi vì, khi mà dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, khách nước ngoài gần như vắng bóng, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò lại đầu tư cho một chiến lược mới, tốn kém. Thế nhưng, nếu không có sự mạnh dạn đó thì Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã không thể giải bài toán đón khách trong mùa dịch. Nhờ tour trải nghiệm đêm mà nơi đây thu hút được lượng khách nội địa. Và đến khi hết dịch Covid-19 tour đêm trở thành địa chỉ hấp dẫn của du khách nước ngoài.

Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: “Hiện nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tổ chức chương trình Đêm thiêng liêng 2 chủ đề “Sống như những đóa hoa” vào các tối thứ Sáu hằng tuần; chương trình Đêm thiêng liêng 3 chủ đề “Lửa thanh xuân” vào tối thứ Bảy hằng tuần. Nhờ làm tốt các chương trình, trong 10 tháng đầu năm 2023, di tích đón hơn 550.000 lượt khách tham quan ban ngày và kín lịch tour đêm”.

Từ thành công của di tích Nhà tù Hỏa Lò, các di sản Hà Nội có sự tự tin và phối kết hợp để tổ chức tour đêm. Cuối tháng 11/2023, Hà Nội chính thức công bố 15 điểm tour đêm, trong đó có: tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; tour đêm Văn Miếu Tinh hoa Đạo học; chiếu 3D mapping Ô Quan Chưởng vào các tối cuối tuần...

Ở mỗi di tích đều mang một khẩu vị riêng gắn với giá trị văn hóa của chính di sản nơi hình thành tour. Chính điều này đã tạo nên nét đặc sắc, không rập khuôn. “Với điểm di tích, xây dựng tour đêm thường mang ý nghĩa về làm thương hiệu. Từ tour đêm được nhiều người biết đến, khách lại đến tham quan ban ngày. Điển hình như cả 3 di tích: Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, lượng khách đến ban ngày tăng mạnh khi có tour đêm” - Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng bày tỏ.

Di sản công nghiệp - lĩnh vực mới đánh thức

200.000 lượt khách đến với di sản công nghiệp: Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm... trong 10 ngày diễn ra Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 là con số đáng mừng của di sản văn hóa Thủ đô. Bởi vì, sau khi gánh xong vai trò là công trình mang dấu ấn công nghiệp nổi bật, các công trình đã đóng cửa im ỉm, trở thành địa điểm phát sinh bao vấn đề về môi trường, đất đai... Nhưng nhờ Lễ hội mà công trình công nghiệp trong quá khứ bỗng chốc được hồi sinh, trở thành địa điểm văn hóa sáng tạo cho cả nghệ sĩ và du khách.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 dưới thời thuộc Pháp. Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô - Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và các ga tàu hỏa Hà Nội được cải tạo thành các tổ hợp sáng tạo, “đánh thức” các di sản công nghiệp, tạo ra hệ giá trị mới phục vụ phát triển TP sáng tạo Hà Nội. Tại những ngày diễn ra Lễ hội, du khách được trải nghiệm một hành trình khác biệt: tham quan Tháp nước Hàng Đậu, rong ruổi đi bộ ra ga Long Biên bắt chuyến tàu theo hành trình di sản về với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tại mỗi điểm dừng chân du khách đều được sống trong miền không gian văn hóa xen giữa cái cũ của di sản công nghiệp với tinh thần hiện đại, sống động của sự sáng tạo ngày nay. Sống chậm trên một hành trình di chuyển nhưng có 22 phút để nghe nhạc trên mỗi toa tàu điện, quả là một cảm giác thú vị mà du khách ở nhiều lứa tuổi đã hướng đến.

Thế nhưng, sau Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 các địa điểm di sản công nghiệp này sẽ đóng cửa. Số phận của nó dùng để làm gì vẫn cần chờ bài toán quy hoạch và chính sách phát triển của TP trong một vài năm tới.

Theo nghiên cứu của KTS.TS Đinh Thị Hải Yến, hiện trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy, chuyển đổi. Những công trình trước năm 1945 có Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; giai đoạn 1954 - 1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965 - 1975 có 12 công trình, giai đoạn 1975 - 1986 có 10 công trình... “Các di sản công nghiệp luôn mang dấu ấn cả về mặt lịch sử, thẩm mỹ và xã hội. Nhiều di sản có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại” - KTS Đinh Hải Yến đánh giá.

Bảo tồn, phát huy di sản ngàn năm và di sản trăm năm luôn là vấn đề trăn trở của những người làm văn hóa Thủ đô. Chắc chắn điểm khác biệt từ di sản mà mảnh đất này mang lại chính là lợi thế giúp Hà Nội vươn mình ra thế giới.

 

Hà Nội là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước. Theo các chuyên gia, nếu loại bỏ di sản công nghiệp thì sẽ mất đi chuỗi liên tục hình ảnh của đô thị. Hà Nội không cần giữ lại toàn bộ, bảo tồn toàn bộ nhưng phải xác định rõ ràng đâu là những kiến trúc để nối ký ức của Hà Nội nên giữ, phần nào cần bảo tồn, cải tạo thích ứng hoặc xây mới hoàn toàn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa
Giáo dục của Quốc hội

Sau gần 4 năm thực hiện, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng TP sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. TP Hà Nội đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà