Lạm phát "tấn công" bàn ăn châu Á

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi nhuận của nhà hàng lẩu cay Ma Hong đã giảm 20% kể từ khi ông mở tại trung tâm thành phố Bắc Kinh vào năm ngoái. Nguyên nhân là giá thịt bò ba chỉ tăng hơn 50% và chi phí các nguyên liệu khác cũng tăng cao.

"Chúng tôi không tăng giá trong thực đơn bởi đại dịch ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Ở Bắc Kinh cũng vậy, chúng tôi không phải là nhà hàng duy nhất chịu thiệt thòi," ông Ma nói.

Các nhà hàng hay hàng quán bán rong, bán thức ăn đường phố tại châu Á đều phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc chịu thiệt hại do chi phí nguyên liệu tăng cao, hoặc tăng giá trong thực đơn và có nguy cơ mất khách hàng trung thành.

Bà Choi Sun-hwa đang bán kim chi tại cửa hàng bán đồ ăn kèm trong một khu chợ truyền thống ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Bà Choi Sun-hwa đang bán kim chi tại cửa hàng bán đồ ăn kèm trong một khu chợ truyền thống ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Giá nguyên liệu tăng đột biến bắt đầu từ sự cố chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19. Hiện tại, vấn đề này còn gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Đối với các hộ gia đình ở châu Á, điều này khiến họ thấy áp lực bởi thức ăn đường phố - với ưu điểm về chất lượng mà giá cả phải chăng - là một phần không thể thiếu trong xã hội và có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế tại những quốc gia ở châu lục này.

Anh Mohammad Ilyas, đầu bếp tại một cửa hàng biryani ở Karachi, Pakistan, cho biết giá 1kg gạo đủ để 3-4 người ăn đã tăng gấp đôi lên 400 rupee Pakistan (tương đương khoảng 2,20 USD).

Một số doanh nghiệp đang đối phó với áp lực chi phí bằng cách cắt giảm quy mô khẩu phần.

Tại một trong những góc ẩm thực đường phố của Jakarta, người bán hàng nasi goreng Syahrul Zainullah đã giảm khẩu phần món cơm rang đặc trưng của Indonesia thay vì tăng giá hoặc sử dụng các nguyên liệu thấp cấp hơn.

Hàn Quốc là nơi lạm phát tiêu dùng ở mức cao trong hàng thập kỷ qua. Bà Choi Sun-hwa, một chủ cửa hàng kim chi chia sẻ, với cùng số tiền mà trước kia có thể mua 10 bắp cải thảo, hiện bà chỉ có thể mua được 7 bắp.

Kim chi truyền thống được phục vụ như một món ăn phụ miễn phí tại các quán ăn Hàn Quốc, nhưng bây giờ lại trở thành một món ăn quá xa xỉ.

Chị Seo Jae-eun, một khách hàng của bà Choi, châm biếm kim chi nên được gọi là "keum-chi", tiếng Hàn có nghĩa là vàng.

"Tôi không thể yêu cầu các nhà hàng cho thêm kim chi vào thời điểm này, nhưng chi phí để tự làm tại nhà cũng quá đắt... vậy nên tôi đã đến đây mua," chị Seo nói.

Sức ép về giá đang làm thay đổi thói quen ăn uống của một số người tiêu dùng châu Á.