Lạm phát tăng, đâu sẽ là kênh đầu tư tốt nhất?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý II/2022, lãi suất ngân hàng đang tăng tốc, vàng, chứng khoán vẫn lình xình, bất động sản tiếp tục chững lại sau những cơn sốt… tìm kiếm chiến lược nửa cuối năm 2022 là băn khoăn của nhà đầu tư (NĐT) trong bối cảnh lạm phát tăng.

Chứng khoán, tiền số còn “đỏ lửa”, vàng tuột dốc khi USD mạnh lên

Sau khi thiết lập đỉnh kể từ tháng 4/2022, VN-Index đã đảo chiều lao dốc mất tới hơn 20% từ đỉnh, chính thức mất mốc 1.200 điểm sau nhiều năm nỗ lực. Cùng với đó, thanh khoản thị trường ngày càng “tụt áp”, thậm chí trong một số phiên gần đây, giá trị khớp lệnh trên HoSE chưa đến 10.000 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 1/3 lượng thanh khoản lúc cao điểm.

Trong quý II, VN-Index giảm tới 294,55 điểm, tương đương -19,7% và từ đầu năm 2022 đã giảm hơn 300,6 điểm, tương đương -20,06%.
Trong quý II, VN-Index giảm tới 294,55 điểm, tương đương -19,7% và từ đầu năm 2022 đã giảm hơn 300,6 điểm, tương đương -20,06%.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất ngày càng gay gắt, những dự báo về đình lạm của các nền kinh tế lớn được đưa ra ngày một nhiều..., thì triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa.

Theo quan sát, hiện vẫn chưa rút tiền ra, mà chỉ bán cổ phiếu và giữ tiền mặt trong tài khoản để chờ cơ hội quay lại thị trường. Thanh khoản thị trường sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới, nhất là nửa cuối tháng 7/2022 khi bắt đầu có báo cáo kinh doanh quý II. Dòng tiền sẽ luân chuyển qua lại giữa các nhóm ngành, thay vì tạo nên một sóng tăng mạnh cho thị trường.

Theo đó, những ngành có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II/2022 như: Ngân hàng; hàng tiêu dùng (thủy sản, F&B), dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ), công nghệ thông tin, tiện ích (điện, nước), nguyên vật liệu (hóa chất), công nghiệp (logistics) vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền, và là “nơi trú ẩn” tương đối an toàn trong tháng 6/2022.

Riêng với tiền số, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, thị trường này còn bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Với việc đã rơi giá xuống khá sâu, cộng với tính pháp lý ở Việt Nam và một số người mất trắng do bị lừa… Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu rủi ro, NĐT cần hết sức thận trọng, không nên sử dụng đòn bẩy, vay mượn.

Giá vàng thế giới đã liên tục giảm trong nửa tháng qua trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh. Lập trường “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gây áp lực mạnh mẽ lên thị trường vàng thế giới. Kim loại quý cũng không tìm thấy được động lực tăng nào, từ sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và quan điểm khác nhau việc lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa. 

 

Giá vàng trong nước đóng cửa phiên giao dịch tuần 10/7, ở mức 67,9 triệu đồng/lượng, 68,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối tuần trước, giá vàng SJC giảm thêm 200.000 đồng/lượng.Trong khi giá vàng thế giới đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.742 USD/ounce, giảm tới khoảng 70 USD/ounce so với cuối tuần trước (tương đương mức giảm 2 triệu đồng/lượng). Sau khi quy đổi, vàng thế giới giao dịch khoảng 49,85 triệu đồng/lượng, nghĩa là chênh lệch giữa hai thị trường lên tới 19 triệu đồng/lượng.

“Rất có khả năng, thị trường sẽ chứng kiến mức tăng lãi suất vào tháng 7. Còn lạm phát vẫn ở mức nóng", ngân hàng Pháp nhận định.

Vàng sẽ không tăng trong vài tuần tới. Trong ngắn hạn, giới chuyên gia dự báo, vàng có nguy cơ giảm xuống mức 1.780 USD/ounce. Nếu không giữ được mức này, kim loại quý này có nguy cơ giảm xuống 1.730 USD/ounce.

NĐT nên hết sức thận trọng khi vào giai đoạn giá có nhiều biến động. Trong khi đó, chênh lệch giá vàng SJC với thế giới ngày càng lớn gây thiệt cho nhà đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nếu "găm" vàng, người mua sẽ phải trả với mức giá đắt hơn hàng triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.

Bất động sản còn khó khăn, kênh gửi tiết kiệm hút khách trở lại

“Với bất động sản (BĐS), dự báo còn khó khăn khi NHNN tiếp tục chính sách kiểm soát chặt chẽ với tín dụng BĐS, siết trái phiếu DN, nguy cơ bị đánh thuế căn nhà thứ hai...”, - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho biết.

Dù vậy điểm sáng của thị trường BĐS thời gian tới là dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS có thể gia tăng, khi việc đi lại đã được bình thường hóa sau dịch bệnh, đặc biệt là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng và BĐS khu công nghiệp. Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong các tháng đầu năm 2022, có gần 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đổ vào BĐS.

 

Năm 2022 là năm đầu giải ngân gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó gói đầu tư hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn. Cùng với quá trình định giá lại BĐS, việc các địa phương ngăn chặn không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không cho phân lô, tách thửa đất nông nghiệp, đồng thời siết chặt vay vốn tín dụng cho BĐS càng khiến cho các NĐT bền vững, có tiềm lực kinh tế đầu tư một cách bài bản hơn, cẩn thận hơn.

TS Võ Trí Thành

6 tháng cuối năm 2022, thị trường BĐS dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song cơ hội vẫn rộng mở ở một số phân khúc như đất nền, chung cư đã hoàn thành, BĐS khu công nghiệp, nhà ở xã hội.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, phân khúc “dễ thở” là căn hộ đã bàn giao, có sổ. Phân khúc này vẫn giao dịch tốt và sẽ có giá hấp dẫn hơn các căn hộ sơ cấp (mua từ chủ đầu tư). Tiếp đó là dòng sản phẩm nhà phố trong trung tâm ở những TP lớn vẫn hấp dẫn. Thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc và đây là cơ hội, là thời điểm cho những sản phẩm mang lại giá trị thực cho NĐT, khách hàng lên ngôi.

6 tháng đầu năm nay, kênh sinh lời tốt nhất là gửi tiết kiệm. Lãi suất huy động liên tục tăng, trung bình khoảng 0,5 - 1 % đã hút dòng tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng. Số liệu của NHNN, hai quý gần đây, số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, riêng quý I năm nay, số dư đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo, đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tăng. Và gửi tiết kiệm ngân hàng được coi là phù hợp với những người thích sự an toàn, những người có ít tiền, không dám đầu tư.