Làm rõ mọi thắc mắc về việc sáp nhập các phường ở Sơn Tây

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị ủy Sơn Tây lắng nghe và giải đáp mọi ý kiến thắc mắc, kiến nghị của cử tri trên địa bàn xung quanh việc sáp nhập 3 phường theo kế hoạch.

Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đinh Duy Hưng phát biểu tại hội nghị.
Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đinh Duy Hưng phát biểu tại hội nghị.

Sáp nhập để phát triển

Ngày 23/3, Ban Thường vụ Thị ủy Sơn Tây tổ chức hội nghị Thông tin, tuyên truyền và giải đáp những thắc mắc về sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023 - 2025, trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán chủ trì.

Tại hội nghị, ông Đinh Duy Hưng - Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây đã thông tin về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình họp HĐND Thị xã thông qua nội dung sắp sếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, thời gian lấy ý kiến cử tri thực hiện từ ngày 31/3/2024 đến ngày 2/4/2024.

Việc sáp nhập 3 phường là chủ đề được quan tâm trao đổi tại nhiều hội nghị, cuộc họp của thị xã Sơn Tây trong những ngày qua.
Việc sáp nhập 3 phường là chủ đề được quan tâm trao đổi tại nhiều hội nghị, cuộc họp của thị xã Sơn Tây trong những ngày qua.

Thị xã Sơn Tây có 3 phường thuộc diện phải sắp xếp gồm: Phường Ngô Quyền, Quang Trung và Lê Lợi do cả 3 đơn vị đều không đảm bảo tiêu chí và phải sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025.

Phương án sắp xếp được đưa ra là lấy Thành cổ Sơn Tây làm trung tâm, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 phường thành 1 phường mới. Phường mới lấy tên là Phường Ngô Quyền. Phường mới sẽ có diện tích tự nhiên 2,08km2 (đạt 37,82% so với tiêu chuẩn) và quy mô dân số 25.749 người (đạt 514,98% so với tiêu chuẩn).

 

Qua thực tế việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 cho thấy đã có nhiều lợi ích mang lại. Cụ thể, cả nước đã giảm hơn 3.400 cơ quan ở cấp Xã, gần 430 cơ quan cấp huyện và số tiền tiết kiệm chi là hơn 2.000 tỷ đồng. Nói cách khác, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Với phương án sáp nhập này, thị xã Sơn Tây sẽ tính toán phương án tối ưu nhất đảm bảo thuận lợi cho người dân và hoạt động của bộ máy hành chính mới, cũng như đảm bảo sự phát triển chung của Thị xã và Phường mới thành lập.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ mở rộng không gian phát triển cho các phường được sắp xếp. Sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để tăng lương công chức. Thị xã cũng sẽ tuyển chọn được người có chuyên môn cao vào làm việc trong hệ thống chính quyền. Chính lực lượng này sẽ làm cho hoạt động của bộ máy hành chính công tốt hơn, chất lượng cao hơn. Ngoài ra, việc sắp xếp lại 3 phường trên địa bàn Sơn Tây cũng tạo sự giao thoa, đa dạng về văn hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Bí thư Phường Quang Trung nêu ý kiến về những vấn đề xoay quanh công tác sáp nhập 3 phường.
Bí thư Phường Quang Trung nêu ý kiến về những vấn đề xoay quanh công tác sáp nhập 3 phường.

Làm rõ mọi thắc mắc

Tại hội nghị, các đại biểu, cử tri các phường thuộc diện sáp nhập đã thẳng thắn trao đổi những băn khoăn về phương án sáp nhập đồng thời nêu ra những kiến nghị, đề xuất với thị xã về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Đại diện phòng Nội vụ thay mặt Ban Thường vụ Thị xã đã có những trả lời rõ ràng, thấu đáo cho những câu hỏi mà đại biểu và cử tri đưa ra.

Trước đó, vào chiều 22/3, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Sơn Tây khóa XXXI nhiệm kỳ 2020 – 2025, kỳ họp thứ 18, câu chuyện sáp nhập 3 phường cũng là một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm, trao đổi nhiều.

Bí thư Phường Quang Trung Nguyễn Đình Lâm đề nghị sớm thành lập các tổ lấy phiếu ý kiến cử tri. Ông Nguyễn Đình Lâm đánh giá đây là nội dung rất quan trọng, bởi sau khi thành lập các tổ lấy ý kiến thì cũng cần tập huấn nghiệp vụ cho các tổ viên.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Lâm cũng đề nghị sớm có hướng dẫn để sớm thống nhất mẫu phiếu; hướng dẫn kế toán xã phường lập dự toán kinh phí cho việc sáp nhập địa giới hành chính các xã, phường.

Đặc biệt, Bí thư Phường Quang Trung đề nghị sau sáp nhập cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các gia đình, người dân ảnh hưởng, cần thay đổi giấy tờ.về phía phường hiện chưa có ý kiến trái chiều nhưng vẫn không chủ quan và tiếp tục tuyên truyền.

Cũng trong hội nghị này, Bí thư Phường Lê Lợi và Ngô Quyền đều có chung đề nghị là  rất cần thành lập các tổ lấy phiếu và tập huấn cho tổ đó thì việc lấy phiếu mới đạt kết quả; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân nắm được rõ hơn nữa chủ trương sáp nhập và hướng dẫn về kinh phí cho các tổ lấy ý kiến.

 

Sắp xếp đơn vị hành chính được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được Bộ Chính trị (khóa XIII) nêu trong Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Trong đó, tiêu chuẩn đối với thị xã về quy mô dân số từ 100.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 200km2 trở lên, đơn vị hành chính trực thuộc: Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên, tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 50% trở lên. Tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã thì dân số phải từ 5.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên từ 5,5km2 trở lên.