Làm rõ thực trạng tổ chức bộ máy và đề xuất giải pháp đổi mới chính quyền đô thị ở quận, thị xã của Hà Nội

Hà Bình - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 4/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị
Đề dẫn hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết Hội thảo được tổ chức với mục đích xin ý kiến, góp ý, trao đổi và bổ sung nội dung, nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã tại TP. Trên cơ sở đó đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội.
Trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, bộ máy chính quyền quận, thị xã, phường của TP Hà Nội đã được điều chỉnh lại về cả tổ chức và hoạt động theo tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và bước đầu đã có một số kết quả về năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý như: HĐND ngày càng thể hiện được cụ thể hơn vai trò trong việc quyết định thực hiện chính sách pháp luật và các kế hoạch phát triển KTXH trên địa bàn theo phân cấp; UBND các cấp với tinh thần cải cách hành chính đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động cũng như chế độ công chức, công vụ, tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính, đảm bảo các dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân cư đô thị, giải quyết được phần nào bức xúc trong đời sống của người dân TP…
Bên cạnh những thành tựu và ưu điểm đã đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất hợp lý cần khắc phục. Nguyên nhân là do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất của đô thị về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; năng lực và trách nhiệm của đại biểu HĐND, của cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền quận, thị xã phường còn nhiều hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ và nhiệm vụ khác nhau. Pháp luật hiện hành về tổ chức, hoạt động của HĐND và UBND quận, phường chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của đơn vị hành chính nội bộ đô thị…
Vì thế, Hội thảo mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học cùng tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND và UBND quận, huyện, thị xã; nêu những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và chỉ ra nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị của TP Hà Nội.
 Toàn cảnh hội nghị 
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, theo đó Bộ Chính trị đồng ý cho thành phố Hà Nội xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án, ban hành kế hoạch với 8 chuyên đề đã được Bộ Nội vụ và các cơ quan phối hợp xây dựng dự thảo, đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện đề án.
“Chuyên đề “Thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đề xuất mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” có ý nghĩa hết sức quan trọng để Ban chỉ đạo hoàn thiện đề án” - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu, nhà quản lý đã đóng góp những ý kiến rất tâm huyết với mong muốn thực sự về Hà Nội phát triển trong tương lai.

Về phạm vi của Đề án, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh sẽ thực hiện theo đúng kết luận số 22 của Bộ Chính trị là thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở cấp quận, thị xã. “Tất cả đều thể hiện mong muốn Hà Nội cần thiết phải xây dựng đề án này, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đột phá” - Chủ tịch HĐND TP khẳng định.

Bên cạnh đó, khi đánh giá cần toàn diện hơn, sâu hơn để làm cơ sở xây dựng. “Chẳng hạn về chức năng nhiệm vụ có bất cập ở điểm nào; thể chế, bộ máy còn có gì chưa phù hợp; công việc hiện đang làm có gì đúng, chưa đúng, hiệu quả ra sao. Trên cơ sở đánh giá để đưa ra mô hình khắc phục” - Chủ tịch HĐND nói .

Đa số các ý kiến đều nhất trí quan điểm chung là thí điểm, nhưng phải trong khung của Hiến pháp, phù hợp với thể chế chính trị và đặc điểm của Hà Nội, như vậy mới có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời đại biểu cũng đề nghị phải có lộ trình thực hiện, vì là thí điểm thì có thể thành công hoặc không nhưng bắt buộc phải có lộ trình rõ ràng.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao 14 ý kiến của đại biểu và tiếp thu toàn bộ, hầu hết đều nghiêng về mô hình 3 là mô hình 2 cấp. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục bàn thảo để hoàn thiện theo một mô hình thống nhất.