Làm sâu sắc hơn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

T.S Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội” được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia tổ văn kiện Đại hội. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng Dự thảo, vẫn còn một số vấn đề về nội dung và hình thức biểu đạt nên lưu ý.

Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến của cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt TP vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Nhấn mạnh thêm các bài học kinh nghiệm
Tôi có 13 năm là Trưởng Phòng nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội (giai đoạn 1999 - 2012) và từng là thành viên Tổ giúp việc, trực tiếp tham gia soạn thảo Báo cáo Kinh tế xã hội, văn kiện các kỳ Đại hội Đảng bộ Hà Nội trong thời gian đó. Sau khi nghiên cứu Dự thảo “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội”, tôi nhận thấy, Dự thảo được xây dựng công phu, nghiêm túc, thể hiện trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của những người trực tiếp và gián tiếp tham gia tổ văn kiện Đại hội. Dự thảo có cơ cấu và độ dày hợp lý, nội dung bao quát toàn diện các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TP; số liệu và các chỉ tiêu phát triển được tập hợp và xây dựng có hệ thống, cập nhật và có căn cứ xác đáng, logic chặt chẽ, phản ánh khá đầy đủ, xác đáng các thành công, hạn chế và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các khâu đột phá cần thiết cho phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ qua và thời gian tới…
Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng Dự thảo, theo tôi, cần lưu ý một số điểm cả về nội dung và hình thức biểu đạt. Cụ thể như, chủ đề hay tên gọi của Dự thảo diễn đạt còn dài, trùng lặp ý và chưa định vị sâu sắc các thông điệp, ý nghĩa và mục tiêu Đại hội, nên có thể điều chỉnh thành: “Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng bộ và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, đoàn kết, đẩy nhanh công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”.
Cùng với đó, khi đánh giá quản lý nhà nước nhiệm kỳ hiện tại cần bổ sung đánh giá không chỉ hiệu lực, hiệu quả, mà còn đánh giá cả năng lực, tức cần điều chỉnh mục đánh giá “Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên” thành “Năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên”. Theo tôi, trong phần đánh giá hạn chế và nguyên nhân, Dự thảo chưa đề cập đúng mức đến các vấn đề về: Thu hút và trọng dụng nhân tài, chống tham nhũng và tiêu cực trong hệ thống chính trị và bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt trong các cơ quan trực tiếp quản lý DN, lĩnh vực xây dựng, tài chính, đất đai, công an và tòa án, cũng như các cơ quan tham mưu, tư vấn tổng hợp và khoa học của TP. Xây dựng ý thức và phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh các nơi công cộng. Trách nhiệm quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị; bảo đảm văn minh trật tự giao thông và chống chuyển đổi công năng các diện tích bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn Thủ đô…
Trong phần bài học kinh nghiệm, cần bổ sung và nhấn mạnh nội dung bài học về quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đô thị là nhiệm vụ thường xuyên và trách nhiệm chính của các cấp chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư…
Cập nhật nội dung mới theo tinh thần Hiệp định EVFTA
Dự thảo cũng nên xem xét, cân nhắc bổ sung một nội dung mới về yêu cầu nghiên cứu tạo lập hệ sinh thái và quản lý hoạt động mô hình công đoàn độc lập mới, có thể không thuộc Liên đoàn lao động Việt Nam, sẽ được thành lập hợp pháp trong các DN trên địa bàn Thủ đô và các địa phương khác ở Việt Nam theo tinh thần Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam tham gia.
Đặc biệt, nên có thêm các đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo hoạt động và củng cố vai trò, kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp, như hội DN nhỏ và vừa Hà Nội và các hiệp hội ngành nghề khác trên địa bàn, trong bối cảnh DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, đang và sẽ là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế… Để từ đó, có chủ trương về tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ phát triển các hiệp hội DN và nghề nghiệp này. Trong đó, nên chủ trương tăng vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các hiệp hội trong thực hiện một số chức năng tổ chức và hỗ trợ DN, nhất là phối hợp với các cơ quan chức năng của Thủ đô và T.Ư, các địa phương khác trong việc nghiên cứu triển khai một số chương trình hỗ trợ về tạo sản phẩm mới; ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ, thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng ISO trong quản lý, điều hành DN…
Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển, hiện đại hóa cộng đồng DN, nâng cao năng lực, chất lượng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của DN và sản phẩm; chủ động nắm bắt những cơ hội, nhất là của Hiệp định CPTPP và EVFTA, cũng như khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các Thủ đô, TP tiềm năng; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế; đẩy mạnh công tác đối ngoại Nhân dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu về Thủ đô với bạn bè quốc tế; phát huy tinh thần Hà Nội vì cả nước - cả nước vì Hà Nội trong tất cả các lĩnh vực.
Về mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn Thủ đô đến năm 2045, nên diễn đạt lại theo cách mới, với logic nội dung định tính và định lượng phù hợp hơn, có thể như sau: Chủ động, đồng bộ và quyết liệt chỉ đạo xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Hiện đại”, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị thông minh, TP đổi mới sáng tạo, năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao và tương đương với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và có tầm quốc tế; tiêu biểu và xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; không ngừng cải thiện chất lượng sống của người dân; Phấn đấu duy trì tăng trưởng kinh tế hàng năm trên địa bàn Thủ đô luôn cao hơn so với trung bình cả nước, với mức GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD vào năm 2025; đạt 12.000 - 13.000 USD vào năm 2030 và đạt trên 36.000 USD vào năm 2045”.