Lan tỏa quyết tâm cải cách hành chính

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cách làm hay, kinh nghiệm rút ra cũng như những đề xuất để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, DN tại Hà Nội đã được đại diện các sở, ngành, quận, huyện chia sẻ tại buổi Giao lưu - Tọa đàm trực tuyến “Hiện đại hóa nền hành chính - Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN” do Sở Nội vụ và báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức ngày 22/12.

Nhiều điểm sáng

Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Hiện đại hóa nền hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN chính là một chủ đề trọng tâm mà TP đã chỉ đạo trong năm 2017. Để góp phần cùng TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Báo tổ chức hoạt động giao lưu trực tuyến này cũng nhằm mang tới cho bạn đọc những thông tin hữu ích trong nội dung chuyển đổi nền hành chính của TP, đảm bảo vận hành thông suốt.

Đánh giá kết quả nổi bật của Hà Nội trong hiện đại hóa nền hành chính năm 2017, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đặng Vũ Tuấn nhận định: TP đã đạt những kết quả rất ấn tượng về ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, tập trung vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp độ cao. Hiện, TP đã đạt tỷ lệ DVCTT đạt 32% và đang phấn đấu đứng đầu cả nước về lượng giao dịch trực tuyến. Còn theo đại diện Sở Nội vụ, năm 2017, các đoàn của T.Ư khi về khảo sát đều đánh giá Hà Nội là địa phương rất quyết liệt rà soát sắp xếp, kiện toàn bộ máy; chú trọng ứng dụng CNTT trong lãnh đạo điều hành cũng như phục vụ người dân, DN. Toàn TP có rất nhiều điểm sáng, trải đều ở nhiều sở, ngành, quận, huyện và tại cả xã, phường.

Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Kim Mã, quận Ba Đình.   Ảnh: Hải Linh

Tại khối quận, huyện, dù có mặt bằng dân trí, cơ sở vật chất hạn chế hơn, song đều rất nỗ lực để triển khai DVCTT mức độ 3, 4. Đơn cử tại huyện Gia Lâm, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tại huyện và các xã, thị trấn đã đạt trung bình hơn 90%. Tại quận Thanh Xuân, từ khu dân cư điện tử đầu tiên tại phường Hạ Đình, quận đã nhân rộng ra phường Thanh Xuân Trung và cho thấy, mô hình này được người dân hưởng ứng. Lượng hồ sơ được nộp trực tuyến tại các khu này chiếm trên 70% tổng số hồ sơ hành chính do cư dân tại đây thực hiện.
Khắc phục ngay hạn chế

Tuy đã đạt kết quả đáng khích lệ, song quá trình thực hiện DVCTT được nhiều CBCC cơ sở phản ánh vẫn còn không ít lỗi phần mềm, tốc độ đường truyền chưa cao; chưa nhiều người dân tự nộp trực tuyến... Đồng tình nhận định này, Phó Giám đốc Sở TT&TT Đặng Vũ Tuấn cho biết, Sở đã khắc phục liên tục, làm việc với nhà cung cấp đường truyền, nên hiện các thủ tục khai sinh, khai tử, y tế đã được triển khai ổn định. "Năm 2018, để tăng cường cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4, công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng, không chỉ cho người dân mà phải toàn bộ máy” - ông Tuấn nói.

Theo Trưởng phòng Nội vụ Gia Lâm Trần Trung Tuyết, trong năm 2018, UBND huyện sẽ rà soát DVC mức 3 đang cung cấp để rút ngắn quy trình giải quyết, nâng cấp lên mức 4; sơ kết một năm triển khai dịch vụ bưu chính công ích để làm tiền đề áp dụng DVC mức 4. Tuy nhiên, để công dân thực hiện TTHC không phải cung cấp nhiều giấy tờ, thông tin, UBND huyện kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, hợp nhất các phần mềm giải quyết TTHC tại “một cửa”.