Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Lãng phí lớn từ hàng trăm dự án bất động sản bỏ hoang] Bài 2: Đất bỏ hoang, ngân sách thất thoát

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều dự án nằm “đắp chiếu” do chính quyền địa phương không thể tiến hành công tác bồi thường GPMB để giao đất cho chủ đầu tư. Cũng có không ít dự án trong tình trạng GPMB dở dang đành phải “án binh bất động” do việc dây dưa, mặc cả về giá tiền bồi thường của người dân.

Một dự án nhà ở tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, mặt bằng sạch đã được bàn giao, nhưng nhiều năm qua chủ đầu tư chưa có dấu hiệu triển khai (Ảnh: Doãn Thành).
Bất đồng giá đất đền bù
Đại diện chủ đầu tư dự án Xây dựng Nhà ở cán bộ công nhân viên kết hợp bãi đỗ xe tại Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dự án này đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư từ năm 2009, trên diện tích 1,3ha để xây dựng công trình nhà ở cán bộ công nhân viên, kết hợp với bãi đỗ xe và hạ tầng đường giao thông, cây xanh.
Nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ tiến hành bồi thường GPMB được khoảng 50% diện tích dự án, phần còn lại các hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường để bàn giao mặt bằng. Theo lý giải của các hộ gia đình đang sinh sống và có đất trong khu vực dự án, ở thời điểm hiện tại giá đất thị trường đã tăng cao, vì vậy người dân không đồng ý với mức giá đền bù 2 triệu đồng/m2 (đã bao gồm cả phần hỗ trợ của chủ đầu tư) theo khung quy định của TP, mức hỗ trợ đền bù hiện nay phải là 10 triệu đồng/m2.
Giống như nhiều hộ dân tại quận Bắc Từ Liêm, là trường hợp của gia đình ông Hoàng Văn Minh, trú tại xóm Hồ, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Gia đình ông Minh đang có 1,5 sào bắc bộ (khoảng 540m2 - PV) đất canh tác nông nghiệp. Từ nhiều năm nay DN và chính quyền địa phương đã đến làm việc với gia đình ông về vấn đề đền bù GPMB để bàn giao đất cho DN triển khai dự án, tuy nhiên gia đình ông Minh không đồng ý với mức đền bù theo khung giá của nhà nước. “Nếu muốn lấy đất của gia đình tôi để làm dự án thì phải có sự thỏa thuận về giá đền bù, với tình hình thị trường như hiện tại 1,5 sào ruộng của gia đình tôi phải đền bù đủ 1 tỷ đồng, tôi mới bàn giao đất” - ông Minh nói.
Được biết, theo Quyết định 96/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tổng mức giá bồi thường cho 1 sào đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh ở mức tối đa là 294 triệu đồng/sào. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam, về mức giá hỗ trợ, bồi thường và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được UBND TP Hà Nội quy định rất rõ tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND. Trước đó, tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về giá các loại đất trên địa bàn TP được áp dụng từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2019 cho từng địa bàn cụ thể.
Việc đòi tăng tiền bồi thường của người dân chiếu theo các quyết định của TP là không khả thi, trừ trường hợp sang năm 2020 TP có sự điều chỉnh tăng giá đền bù. Ở thời điểm hiện tại việc tăng giá đất đền bù so với khung nếu có thì chỉ là sự thỏa thuận hỗ trợ thêm từ các doanh nghiệp đối với người dân.
“Trong khi nhiều chủ đầu tư muốn nhanh chóng bồi thường để giải phóng mặt bằng phục vụ công tác triển khai dự án, thì tình trạng dây dưa, mặc cả về giá đền bù từ người dân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm triển khai của các dự án” - Luật sư Thơm nói.
Thất thoát ngân sách
Theo đánh giá, những khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của nhiều dự án trên địa bàn TP là do kết quả thực hiện công tác đền bù GPMB còn chậm. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự không đồng thuận về mức giá bồi thường của người dân theo khung quy định của Nhà nước.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các dự án không nhận được sự đồng thuận từ người dân thì khó có thể đưa vào triển khai theo đúng tiến độ. Việc người dân có những yêu cầu về quyền lợi cho mình là điều chính đáng, nhưng những người dân có đất trong phạm vi dự án phải thu hồi thì cũng cần phải có nhận thức rõ ràng không phải là muốn bồi thường theo giá nào thì chính quyền phải đáp ứng mức giá đó.
“Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đồng thời với công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác an sinh xã hội sau khi GPMB, như những cơ chế về việc làm, hướng nghiệp... cho những người bị thu hồi đất hay hỗ trợ bổ sung trong những trường hợp đặc biệt. Ngoài các dự án công cộng, đối với các dự án thuộc sở hữu tư nhân, chủ đầu tư cũng nên cân nhắc hỗ trợ thêm phần bồi thường ngoài mức quy định của Nhà nước, có như vậy thì mới tìm thấy sự đồng thuận của người dân” - ông Thanh nói.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, người dân cũng cần phải tìm hiểu kỹ những quy định pháp luật về mức giá bồi thường GPMB đã được chính quyền công khai áp dụng. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi quy định về tỷ lệ lấy kết quả ý kiến cộng đồng dân cư và đề xuất tỷ lệ đồng thuận của các hộ dân khoảng 70% trở lên thì chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án; Đồng thời, bổ sung chế tài cưỡng chế với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý di dời bàn giao mặt bằng.
“Việc chậm triển khai GPMB là sự thất thoát vô cùng lớn, kéo dài thời gian đưa dự án vào sử dụng sẽ làm tăng các chi phí phát sinh, như vậy giá thành sản phẩm cũng tăng theo, làm giảm đi tính cạnh tranh và mất cơ hội đón nhận thời điểm thuận lợi của thị trường. Khi chưa GPMB, đất sẽ bị bỏ hoang và Nhà nước cũng không thu được Ngân sách do dự án chưa đi vào hoạt động” - ông Nguyễn Trần Nam cho hay.
Nhà nước đã có khung quy định rõ ràng về chính sách đền bù đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất ở. Nhưng khi thu hồi thì chính quyền cần phải có cơ chế về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với những đối tượng thuộc trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi ổn định cuộc sống, vấn đề này cũng được quy định rõ trong Luật đất đai năm 2013.
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm - Hội Luật gia Việt Nam