Lãnh đạo EU chưa thống nhất việc đóng góp ngân sách hậu Brexit

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự chia rẽ tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels, Bỉ ngày 23/2 trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà Anh bỏ lại khi rời EU.

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Brussels, Bỉ, diễn ra ngày 23/2, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU tập trung thảo luận việc đóng góp như thế nào để lấp đầy khoảng trống 15 tỷ euro  do nước Anh để lại sau khi rời EU (còn gọi là Brexit) từ năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết: "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta muốn dành thêm những ưu tiên mới, và không thể giảm bớt chính sách cũ, thì các nước trong khối sẽ phải đóng góp ngân sách nhiều hơn”.
 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Bỉ.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí quan điểm EU sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho mục đích ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tại hội nghị, nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các định hướng về gắn kết xã hội, chính sách nông nghiệp chung, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn EU.
Tuy nhiên, các lãnh đạo EU đã không thống nhất được một cách cụ thể các nước sẽ phải đóng góp nhiều hơn bao nhiêu cho ngân sách chung để lấp đầy khoảng trống ngân sách do nước Anh để lại hậu Brexit.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết hiện có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, song còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối.
Đức, Tây Ban Nha và Pháp cho biết sẵn sàng chi thêm, trong khi đó các nước đóng góp ròng khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối. Thủ tướng Áo tuyên bố nước này không muốn gia tăng các khoản chi của mình.
 Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Kế hoạch ngân sách của EU với quy mô gần 1.000 tỷ euro cho thời hạn 7 năm sẽ kết thúc vào năm 2020 và các nhà lãnh đạo đang phải cân nhắc một kế hoạch chi tiêu dài hạn cho giai đoạn kế tiếp bắt đầu từ 2021.
Một nội dung quan trọng khác được đề cập ở hội nghị lần này là việc xem xét cách thức chọn người đảm nhận vị trí Chủ tịch EC, thay thế ông Jean-Claude Juncker.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk Tusk cho biết lãnh đạo các quốc gia không đồng ý để Nghị viện châu Âu (EP) được quyết định chọn chủ tịch cơ quan hành pháp EU sau khi ông Juncker mãn nhiệm vào năm 2019.
Ông Tusk tuyên bố Hội đồng không thể đảm bảo trước là sẽ đề cử một trong những "ứng cử viên chính" của EP như trường hợp ông Junker năm 2014. Lãnh đạo các quốc gia EU cho rằng phương thức này chỉ phản ánh ý chí của các nhóm chính trị ở Brussels và điều này gây phương hại đến chủ quyền của các quốc gia.
Chủ tịch Tusk cũng thông báo ông sẽ trình bày dự thảo các phương hướng về tương lai quan hệ giữa Anh và EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra từ ngày 22-23/3 tới. Mục tiêu là EU sẽ thông qua các đường hướng chính này, bất chấp quan điểm của Anh về mối quan hệ song phương trong tương lai.