Lãnh đạo G7 đã thống nhất giải pháp quan hệ với Nga và Iran

Hương Thảo (Theo Tass/Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm 7 nền kinh tế lớn đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz của Pháp về cải thiện quan hệ với Nga và vai trò cầu nối của Paris trong đối thoại với Tehran.

Hội nghị thượng đỉnh bàn tròn tại Pháp hôm 25/8. 
AFP hôm nay (25/8) dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, nhóm 7 quốc gia đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh ở TP nghỉ mát Biarritz của Pháp về sự tương tác rộng rãi hơn với Nga trong các vấn đề khác nhau, nhưng chưa sẵn sàng để đưa Moscow trở lại nhóm này cho định dạng G8.
Tất cả các nhà lãnh đạo G7 đã đi đến kết luận này sau khi thảo luận trong bữa tối không chính thức của họ vào tối thứ 7 vừa qua.
Tin tức tương tự cũng đã được hãng tin Kyodo của Nhật Bản khẳng định từ tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết của cuộc thảo luận này.
Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hoàn toàn có thế mời Nhà đồng cấp Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị G7 tiếp theo tại Mỹ vào năm 2020.
G7 là một nhóm các quốc gia công nghiệp lớn mạnh, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Nhóm được đổi tên thành G8 vào năm 1997 khi Nga gia nhập. Tuy nhiên sau các sự kiện năm 2014 ở Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, các thành viên của nhóm đã quyết định quay trở lại định dạng G7.
Cũng tại Thượng đỉnh G7 lần này, các nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng Tổng thống chủ nhà Pháp Emmanuel Macron nên có cuộc hội đàm và chuyển lời nhắn tới Iran, mà ưu tiên vẫn là ngăn chặn Tehran làm giàu hạt nhân và xoa dịu căng thẳng ở vùng Vịnh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu lâu nay vẫn đấu tranh để giảm bớt cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế quốc gia Hồi giáo.
Ông Macron, người đứng đầu các nỗ lực hòa giải, đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm 23/8 với mục đích thảo luận về các đề xuất có thể giảm bớt khủng hoảng, bao gồm ý tưởng giảm một số lệnh trừng phạt bởi Washington hoặc cung cấp cho Tehran cơ chế bồi thường kinh tế.