70 năm giải phóng Thủ đô

Lao động gen Z luôn thay đổi công việc để phát triển bản thân

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít nhân sự gen Z khi tìm việc luôn đặt yếu tố cơ hội thăng tiến trong công việc lên hàng đầu, tiếp đến là môi trường làm việc và sau đó mới đến mức lương. Khi không hài lòng với môi trường làm việc, những người trẻ gen Z sẵn sàng “nhảy việc” ...

Cơ hội thăng tiến trong công việc được đặt lên hàng đầu

Bùi Việt Huy (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) là lao động gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin trường Đại học (ĐH) Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có hơn 4 năm làm lập trình viên android cho một công ty nước ngoài với mức lương 1.500 USD/tháng.

Tuy nhiên, thanh niên sinh năm 1997 này nhận thấy văn hóa ở công ty không phù hợp vì mọi người làm việc ít chia sẻ thông tin, ít làm việc nhóm mà mang tính cá nhân. Vì muốn tìm môi trường làm việc tập thể, ở nơi đó mọi người cùng tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng sản phẩm nên Bùi Việt Huy quyết định đi tìm công ty khác phù hợp hơn để ứng tuyển.

Nhiều bạn trẻ đang ứng tuyển vào các vị trí việc làm tại Festival tuyển dụng Thanh niên năm 2024. Ảnh: Trần Oanh
Nhiều bạn trẻ đang ứng tuyển vào các vị trí việc làm tại Festival tuyển dụng Thanh niên năm 2024. Ảnh: Trần Oanh

Chia sẻ về các yếu tố được đưa ra khi đi tìm việc, Bùi Việt Huy cho hay: "Đối với tôi, sự thăng tiến trong công việc là yếu tố quan trọng nhất, sau đó đến mức lương. Hiện tại, công ty nơi tôi làm không có thông tin rõ ràng về lộ trình thăng tiến nên tôi muốn chuyển sang làm chỗ khác. Tôi cũng muốn tìm cho mình cơ hội được tiếp cận với quy trình mới, công nghệ mới khác để có thêm những kỹ năng".

Trao đổi về xu hướng tìm việc làm của thanh niên, cô Nguyễn Thị Hà là Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Hợp tác doanh nghiệp (DN) Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho biết: "Sau một thời gian rất dài làm việc với sinh viên, tôi nhận thấy trước đây khi các em đi tìm việc thường đưa yếu tố tiền lương/thu nhập lên đầu tiên. Nhưng hiện nay xu hướng đó đã có sự thay đổi: các bạn muốn tìm kiếm DN mà ở đó có cơ hội được trải nghiệm, được làm việc với người quản lý có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, các bạn muốn được đào tạo để có những cơ hội thăng tiến trong công việc. Vì thế, khi các nhà tuyển dụng đưa ra được thông tin về lộ trình thăng tiến trong công việc, cơ hội đào tạo là những yếu tố thu hút được sinh viên ứng tuyển".

Hiện nay, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng, định hướng của Chính phủ trong công tác chuyển đổi số thì đa phần các DN đều hướng tới hoạt động chuyển đổi công nghệ để có những thích nghi, thích ứng tạo ra sản phẩm có giá trị tốt hơn. Đây chính là thế mạnh của lực lượng lao động trẻ vì đã có những khoảng thời gian tiếp cận và làm quen với hoạt động này và được các nhà trường chú trọng đào tạo. Vì thế, các bạn thanh niên có nhiều cơ hội để tiếp cận, tìm kiếm cho mình những vị trí việc làm phù hợp nhất. Do được tiếp xúc với các DN ngay từ sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên sinh viên có phần khắt khe hơn khi lựa chọn các DN để ứng tuyển.

Nhân sự gen Z có nhiều cơ hội thăng tiến

Nắm bắt được thanh niên có nhu cầu thăng tiến trong công việc, đã có nhiều DN lớn đã cho họ cơ hội để thực hiện. Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nội - Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel Vũ Ngọc Quảng cho biết: “Có thể nói, ở Viettel cơ hội thăng tiến là tốt nhất. Hàng tháng, hàng quý, Viettel đều tạo ra những lớp nguồn. Và từ những lớp nguồn ấy, Công ty tổ chức đào tạo, cũng như đặt ra những mục tiêu, thách thức cao hơn cho các em thể hiện năng lực cũng như có cơ hội thăng tiến. Cụ thể, từ một bạn bưu tá có trình độ có thể phát triển lên trưởng bưu cục, quản lý một bưu cục; từ trưởng bưu cục phát triển lên trưởng phòng; từ trưởng phòng có thể lên ban giám đốc vùng và từ ban giám đốc vùng lên ban giám đốc chi nhánh”.

Về phía Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) đánh giá rất cao những thanh niên có mục tiêu trong công việc vì các bạn sẽ có những kế hoạch công việc rất rõ ràng và biết thể hiện bản thân để có thể vươn lên các mục tiêu tiếp theo.

“Với những bạn ứng viên như vậy sẽ là một điểm cộng khi phỏng vấn ở công ty chúng tôi. Khi các bạn trúng tuyển vào làm việc trong công ty luôn có cơ hội phát triển. Công ty có rất nhiều tấm gương các bạn từ nhân viên chỉ sau 6 tháng đến 1 năm đã phát triển lên vị trí trưởng phòng, có bạn làm việc trong thời gian 2 năm đã thăng tiến lên giám đốc. Công ty FPT Telecom thông tin rõ ràng về lộ trình để mọi người có năng lực phát triển lên ở những vị trí cao hơn” - chị Nguyễn Thị Bích Ngọc là Trưởng nhóm Tuyển dụng của Công ty FPT Telecom cho hay.

Trước thực tế hiện nay, có nhiều nhân sự gen Z làm việc một thời gian ngắn cho DN này lại muốn “nhảy việc” sang chỗ khác có mức lương cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn khiến nhiều công ty than phiền rằng mất chi phí và thời gian đào tạo. Tuy nhiên, lại có những người nhìn theo chiều hướng tích cực, cho rằng đấy là nhu cầu bình thường của mỗi người, nhất là các bạn trẻ. Các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có mục tiêu song song là trải nghiệm và thu nhập. Đôi khi các bạn thấy cùng một công việc tương đương nhưng ở công ty khác trả lương cao hơn thì sẵn sàng “nhảy việc”.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhân sự đưa ra lời khuyên cho những bạn trẻ có ý định “nhảy việc” đó là: đối với một vị trí công việc thì các bạn nên gắn bó ít nhất từ hai đến ba năm. Bởi vì, khoảng thời gian làm việc dưới một hay hai năm chưa đủ để các bạn trải nghiệm một cách sâu, đủ các tính chất công việc của vị trí đó. Và khi trải nghiệm công việc từ hai năm trở lên, các bạn mới đủ sâu, mới đánh giá được nó có phù hợp với mình hay không để xác định tiếp tục gắn bó hay chuyển đổi chỗ làm mới.

 

Hiện tại xu hướng tìm việc của các bạn trẻ đã có sự dịch chuyển khác nhiều so với những thế hệ trước. Trước đây, những người đi tìm việc thường tìm hiểu thông tin tuyển dụng theo phương thức truyền thống như đọc những tờ thông báo trên bảng tin, banner được treo ở những nơi có nhiều người qua lại hoặc các trung tâm dịch vụ việc làm. Tuy nhiên, ở thời điểm này khi công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, chỉ cần thông qua một chiếc smartphone, các bạn trẻ hoàn toàn tìm việc trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo, Instagram và Linkedin...

Để thu hút và giữ chân các nhân sự trẻ, hiện nay nhiều DN đưa ra những chế độ tiền lương và cơ chế hấp dẫn. Bên cạnh đó là quan tâm đến văn hóa môi trường, ở đó mọi người được phát huy năng lực của bản thân và hoàn toàn có cơ hội thăng tiến trong công việc.