Lập quy hoạch tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Khơi dậy bề dày giá trị di sản

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 3/2017, Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao UBND TP Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hiện nay, Hà Nội đang từng bước lên kế hoạch khơi dậy giá trị của cụm di tích đã tồn tại gần 10 thế kỷ.
Bảo tàng thi khoa bảng
Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang là một trong những điểm di tích hàng năm đón lượng du khách tham quan đứng vào top đầu của Hà Nội. Xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt này bao hàm rất nhiều điểm sáng của bề dày văn hóa lịch sử. Từng chứng kiến những kỳ thi khoa bảng đầu tiên của Việt Nam, bằng chứng để lại là 82 bia đá tiến sĩ cùng nhiều công trình kiến trúc khác tại khu Nội tự, vườn Giám và hồ Văn, song theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, một di tích thu hút khách chỉ bằng tồn tại di sản vật thể sớm muộn sẽ là di tích “chết”. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngoài sự kiện Hội chữ Xuân mới diễn ra vài năm nay, thì gần như thưa vắng các hoạt động văn hóa. Đó là chưa kể ngoài khai thác ở khu vực Nội tự, thì vườn Giám, hồ Văn như bị... bỏ rơi.

Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Văn Phúc

“Lập quy hoạch tổng thể sẽ tính đến cả xây dựng các hoạt động văn hóa, tạo sức hút trong lòng di tích” - ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu cho biết. Hiện nay, Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nghĩ đến ý tưởng thành lập Bảo tàng giáo dục Việt Nam, trong đó có việc tái hiện hoạt động thi cử của người xưa. Nhưng trên thực tế, ý tưởng này mới đang được nghiên cứu. Bởi theo ông Kiêu: “Từ việc thiết kế bảo tàng đó như thế nào, các hình thức khoa thi bảng, trang phục của người dự thi… đều phải nghiên cứu theo các cứ liệu lịch sử, không thể tùy tiện lập nên tạo hoạt động”.
Chắc chắn để làm nên Bảo tàng giáo dục Việt Nam thì đội ngũ từ những nhà bảo tàng học, lịch sử, mỹ thuật trang phục… đều sẽ được huy động để cống hiến trí tuệ. Những nghiên cứu này cũng là nhằm mục đích để tự thân khu di tích tạo ra các hoạt động văn hóa gắn với lịch sử và sự hình thành của di tích; Giảm tránh đón các sự kiện của đơn vị khác tổ chức mà không kiểm soát được, như Con đường thi nhân của Ngày thơ Việt Nam 2017 là một ví dụ điển hình.
Làm sao để không bị cô lập?
Các nhà quản lý vẫn tin tưởng, lập quy hoạch tổng thể khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán đang đặt ra. Cụ thể ở đây là nên chăng có một bãi đỗ xe ngầm, giải phóng cho tình trạng xâm hại ảnh hưởng của bãi đỗ xe tại vườn Giám hiện nay; rồi tính đến việc kết nối giữa khu vực Nội tự, vườn Giám và hồ Văn. Trước khi được Chính phủ cho phép lập quy hoạch tổng thể, năm 2016, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Dự án hợp tác phát triển đô thị Hà Nội - Ile-de-France (IMV) nghiên cứu đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp. Trong đó có đưa ra những giải pháp giao thông để kết nối hồ Văn và khu vực Nội tự bằng hành lang giao thông mềm xung quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. IMV đề xuất lát lại mặt nền đường bằng đá. Việc làm này theo lý luận của đơn vị tư vấn nhằm tạo hiệu ứng thị giác để khách tham quan hiểu rằng hồ Văn là một phần trong tổng thể Văn Miếu. Hoặc giải pháp can thiệp mạnh hơn nữa là xin lắp cột đèn tín hiệu ở ngã ba Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vừa để giãn dòng phương tiện giao thông, mà khách du lịch có thể tranh thủ từ Nội tự sang hồ Văn an toàn.
Trước đó, năm 2004, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội từng đưa ra một dự án táo bạo: Giải tỏa để kéo dài đường Hoàng Diệu thêm 330m cho tới điểm giao với phố Quốc Tử Giám. Theo đó, khi chức năng giao thông được chuyển sang trục phố mới này, phố Văn Miếu (nằm bên phải Văn Miếu) sẽ được cải tạo thành phố đi bộ. Mục đích chuyển đổi này không chỉ nhằm kết nối 3 khu vực của Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật và Di sản Hoàng Thành Thăng Long. Tất nhiên, cách triển khai như vậy sẽ đòi hỏi huy động một nguồn kinh phí khổng lồ vào việc mở đường, tái định cư và cải tạo cảnh quan. “Chúng tôi chưa đặt ngay quy hoạch cả trục đường Văn Miếu thành phố đi bộ vì phương án điều tiết giao thông rất phức tạp” - ông Trương Quốc Toàn - Trợ lý Giám đốc Dự án IMV bày tỏ.
Và trong khi đang còn quá nhiều giải pháp chưa thống nhất để giải bài toàn khơi dậy giá trị văn hóa lịch sử của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sẽ rất cần một Quy hoạch tổng thể để nghiên cứu một cách bài bản. Quy hoạch sẽ đưa ra ưu, nhược điểm của từng giải pháp để tích hợp được biện pháp tối ưu phát huy giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.