Lầu Năm Góc cảnh báo "sự sống còn của Ukraine đang trên bờ vực"

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng đang tìm kiếm các phương án để gửi thêm viện trợ cho Ukraine, nơi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài hơn hai năm. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19/3 cảnh báo rằng sự sống còn của Ukraine đang trên bờ vực, trong bối cảnh ông thúc giục các đồng minh với cam kết rằng Mỹ vẫn duy trì hỗ trợ mạnh mẽ cho Kiev, ngay cả khi Washington về cơ bản đã không đủ ngân sách tiếp tục trang bị vũ khí cho lực lượng Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson bác bỏ lời kêu gọi bỏ phiếu cho dự luật cung cấp thêm 60 tỷ USD cho Ukraine. Nhà Trắng đang chuyển hướng nỗ lực sang các phương án khác để tăng viện trợ cho Ukraine, nơi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài hơn hai năm. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Austin đưa ra bình luận khi chủ trì cuộc họp nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức, với khoảng 50 đồng minh hỗ trợ Ukraine.

“Ngày nay, sự sống còn của Ukraine và an ninh của Mỹ đang gặp nguy hiểm,” ông Austin khẳng định với báo giới sau cuộc họp.

Ông Austin cũng bày tỏ sự quyết tâm để tiếp tục duy trì hỗ trợ an ninh và đạn dược của Mỹ, coi đây là vấn đề sống còn và chủ quyền đối với Ukraine cũng như danh dự và an ninh đối với Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không đưa ra chi tiết về việc Washington sẽ hỗ trợ Ukraine như thế nào khi không còn nguồn viện trợ bổ sung. Các quan chức cho biết việc thiếu kinh phí hiện đã ảnh hưởng đến tình hình thực địa ở Ukraine, nơi quân đội Nga đang tiến quân và các lực lượng Ukraine đang trong tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/3 kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm lực lượng phòng không, cho biết Nga đã phóng 130 tên lửa, hơn 320 máy bay không người lái và gần 900 quả bom dẫn đường trong các cuộc tấn công hồi tháng này. 

Phòng không là ưu tiên của Ukraine

Trong bài phát biểu trực tuyến hàng đêm, ông Zelensky cho biết phòng không vẫn là mối quan tâm chính của Ukraine. 

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ gửi 300 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng nói thêm rằng đây là một động thái bất thường sau những khoản quỹ bất ngờ từ các hợp đồng quân sự mà Lầu Năm Góc thực hiện.

Các quan chức không loại trừ khả năng họ có thể huy động thêm các khoản quỹ tiết kiệm, nhưng số tiền đó sẽ không đủ để bù đắp cho việc Quốc hội không phê duyệt thêm ngân sách viện trợ.

Theo giới phân tích, bình luận của ông Austin sẽ vấp phải sự hoài nghi từ châu Âu.

Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho biết: “Việc các nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Âu ngày càng trở nên khó khăn hơn với thông điệp rằng Washington cam kết với Ukraine về lâu dài”.

Tại cuộc họp báo chung ở Berlin 15/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 19/3 cũng công bố gói viện trợ trị giá 500 triệu euro (543 triệu USD) cho Ukraine, bao gồm 10.000 viên đạn và cho biết Mỹ vẫn là đối tác đáng tin cậy.

Sự hỗ trợ của châu Âu ngày càng trở nên quan trọng khi ông Biden không thể thúc giục được gói viện trợ lớn cho Ukraine thông qua Quốc hội và phần lớn năng lượng trong chính sách đối ngoại của ông tập trung vào cuộc chiến ở Gaza.