Bình Dương:

Lấy ý kiến người dân phạm vi bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ

Việt Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth - Trước khi quyết định áp dụng 1 trong 3 phương án phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn, tỉnh Bình Dương đã lấy ý kiến người dân, nhất là các trường hợp chịu ảnh hưởng trực tiếp

Ngày 5/10, đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin, địa phương đang lấy ý kiến người dân trước khi quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến trọng điểm, gồm: đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương (vận tốc tối đa 100 km/h), đường Mỹ Phước - Bàu Bàng (từ ĐT.741 đến Quốc lộ 13) và đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, vận tốc tối đa 80km/h.

Mỹ Phước – Tân Vạn 
Mỹ Phước – Tân Vạn 

​Quy định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo vệ, quản lý, sử dụng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các đoạn đã và đang đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, Bình Dương xây dựng theo 3 phương án. Đối với phương án 1, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương đoạn trùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3 km được tính từ tim đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu ra mỗi bên 32m; đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên 37,25m; đoạn nút giao Tân Vạn, đoạn nút giao Bình Chuẩn và các nút giao khác được tính bằng phạm vi giải phóng mặt bằng.

Đối với hầm và cầu cạn: nếu có đường bên sẽ được tính bằng phạm vi giải phóng mặt bằng; không có đường bên được xác định theo hành lang an toàn đối với hầm và cầu cạn được tính từ mép ngoài của kết cấu hầm, cầu cạn ra mỗi bên 10m.

Đường Mỹ Phước - Bàu Bàng (từ ĐT.741 đến Quốc lộ 13): đoạn tuyến ngoài đô thị tính từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên 31m (1/2 phạm vi giải phóng mặt bằng); đoạn tuyến trong đô thị, đoạn qua địa bàn thị xã Bến Cát tính từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên 32m; đoạn qua địa bàn thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng) tính từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên 31m.

Đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (bao gồm đoạn từ ngã ba Tam Lập đến ranh tỉnh Bình Phước) tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên bằng một phần hai phạm vi giải phóng mặt bằng. Đối với cầu và cống xác định theo hành lang an toàn được quy định tại Nghị định số 11 của Chính phủ.

Đối với phương án 2, đa phần nội dung dự thảo giống như phương án 1, chỉ khác ở nội dung quy định đối với đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng. Theo đó, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đoạn tuyến Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (bao gồm đoạn từ ngã ba Tam Lập đến ranh tỉnh Bình Phước) ngoài đô thị tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên bằng một phần hai phạm vi giải phóng mặt bằng cộng 2m đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; trong đô thị tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên bằng một phần hai phạm vi giải phóng mặt bằng.

Vành đai 3 Bình Dương nhìn từ vệ tinh
Vành đai 3 Bình Dương nhìn từ vệ tinh

Đối với phương án 3, đa phần nội dung dự thảo giống như phương án 1, khác nhau ở các điểm: phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đoạn tuyến Mỹ Phước – Bàu Bàng ngoài đô thị tính từ tim đường hiện hữu ra mỗi bên 46m (bao gồm: 31m, 1/2 phạm vi giải phóng mặt bằng cộng 2m đất bảo vệ, bảo trì đường bộ cộng 13m đất hành lang an toàn đường bộ).

Đoạn tuyến Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (bao gồm đoạn từ ngã ba Tam Lập đến ranh tỉnh Bình Phước) ngoài đô thị tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên bằng một phần hai phạm vi giải phóng mặt cộng 2m đất bảo vệ, bảo trì đường bộ thêm 13m đất hành lang an toàn đường bộ; đoạn tuyến Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng trong đô thị tính từ tim đường thiết kế ra mỗi bên bằng một phần hai phạm vi giải phóng mặt bằng.

Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 28/10, tỉnh Bình Dương sẽ kết thúc lấy ý kiến người dân để thống nhất áp dụng phương án tối ưu nhất.