Lễ hội Gióng năm 2018 xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm: Nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Thánh Gióng – người có công dẹp giặc Ân đem lại thái bình cho dân tộc Việt Nam, hàng năm vào các ngày từ mùng 7 - 9 tháng 4 (Âm lịch), người dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm lại tổ chức lễ hội tôn vinh Ngài.

 Ông Hiệu Cờ tại Lễ hội Gióng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Nam Bắc
Năm nay, để hoạt động lễ hội được diễn ra an toàn, trang trọng, tiết kiệm; tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc, UBND huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đã chủ động đưa ra các kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội với nhiều điểm mới.
Cụ thể trong công tác chỉ đạo

Ngay từ tháng 4/2018, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch Quản lý và tổ chức lễ hội Gióng năm 2018. Theo kế hoạch này, lễ hội Gióng xã Phù Đổng sẽ được tổ chức từ ngày 20 - 23/5 (tức từ mùng 6 - 9/4 Âm lịch). Lễ hội bao gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau với đầy đủ các nội dung của lễ hội truyền thống.

Cụ thể, phần lễ là các hoạt động tế Thánh, ngoại đàn, rước khám đường, rước cỗ và quan trọng nhất là lễ hội trận truyền thống mô tả trận đánh của Thánh Gióng tại bãi Soi Bia. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát tuồng, cải lương (hoặc chèo), quan họ và các hoạt động thể dục thể thao như cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc…

UBND huyện Gia Lâm cũng phân công cụ thể trách nhiệm, công việc cho các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan và hai xã tham gia tổ chức lễ hội là UBND xã Phù Đổng, UBND xã Đặng Xá; đồng thời đề nghị các hội, đoàn thể chính trị - xã hội theo sự phân công nhiệm vụ thực hiện khảo sát thực tế tại địa điểm diễn ra lễ hội. Riêng UBND xã Phù Đổng, địa phương trực tiếp diễn ra lễ hội Gióng được phân công thành lập Tiểu ban tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng Kế hoạch chi tiết nội dung, chương trình của lễ hội.

Đến xã Phù Đổng những ngày này, không khí lễ hội đã bắt đầu rộn rã. Khắp các thôn trong xã, ai ai cũng hồ hởi bàn luận về các vai ông Hiệu, tượng trưng cho Thánh Gióng (Hiệu Cờ) và các tướng lĩnh thân cận của Ngài. Những gia đình có người tham gia các vai trong lễ hội đã chọn xong người phục vụ, người tham gia đoàn rước.

Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm Trần Xuân Tĩnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm, ngày 28/4, UBND xã Phù Đổng đã ban hành Kế hoạch Tổ chức Lễ hội Gióng năm 2018. Theo đó, các vai tham gia lễ hội Gióng năm nay như sau: Ông Hiệu Cờ là người thôn Phù Dực, ông Hiệu Trung Quân là người thôn Đổng Viên, ông Hiệu Chiêng người thôn Đổng Xuyên, ông Hiệu Trống người thôn Phù Đổng. Bên cạnh đó, hàng trăm người tham gia vào các vai như Làng áo đỏ, Làng áo đen, đoàn Ải Lao, đội nhạc lễ - trống rồng… cũng được chọn từ các thôn, đảm bảo thôn nào cũng có người tham gia lễ hội.

Đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách

Để khắc phục những hạn chế của các Lễ hội trước, năm nay UBND xã Phù Đổng đề ra nhiều điểm mới trong công tác tổ chức, quản lý. Ông Trần Xuân Tĩnh cho biết, năm nay lễ hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm có sự chỉ đạo rất tập trung về mọi mặt, nhất là về quy hoạch các điểm dịch vụ cho lễ hội, đặc biệt là các địa điểm kinh doanh dịch vụ.

Thứ nhất, Ban tổ chức quy hoạch để đảm bảo không gian của lễ hội, di tích. Đặc biệt là các khu vực liên quan đến hàng rong sẽ được sắp xếp, vị trí nào được tổ chức bán hàng, viết sớ... phục vụ du khách.

Thứ hai, các khu vui chơi, dịch vụ khác sẽ được sắp xếp vào một địa điểm bên sân vận động để đảm bảo không ảnh hưởng đến các di tích chính. Một số địa điểm kinh doanh sẽ được Ban tổ chức lắp dựng khung bạt phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đến đăng ký bán hàng. Các hộ kinh doanh phải thực hiện niêm yết công khai giá bán.

Về vấn đề trông giữ xe, năm nay địa phương giao cho Hội Cựu chiến binh tổ chức việc trông giữ xe, đảm bảo cho du khách đến dự lễ hội. Mặt bằng trông giữ xe dự kiến bố trí tại hai địa điểm ở hai đầu đường chính dẫn vào lễ hội. Ban tổ chức quán triệt tinh thần triển khai trông giữ xe và thu phí theo đúng quy định.