Lễ hội Nguyễn Trung Trực chính thức nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tối 10/10, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – TP Rạch Giá” và kỷ niệm 155 năm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh (1868-2023).

Tham dự lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư. Đại diện lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực. Ảnh Hữu Tuấn
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực. Ảnh Hữu Tuấn

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Nguyễn Trung Trực - một con người “sanh vi tướng, tử vi thần”, với 2 chiến công vang dội tiêu biểu “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa - Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”; sử sách lưu danh, người đời ca tụng.

Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh: Rất vinh dự và tự hào, năm 2023, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực – TP Rạch Giá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 151/QĐ-BVHTTDL ngày 02/02/2023; việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, và cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân và mỗi người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, để hôm nay di sản được vinh danh và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá. Ảnh Hữu Tuấn
Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá. Ảnh Hữu Tuấn

Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một Lễ hội thể hiện tính nhân văn đặc sắc và tính xã hội hóa cao, từ rất lâu đã là một Lễ hội của cộng đồng, của Nhân dân. Đây cũng chính là yếu tố căn bản quyết định sự thành công của Lễ hội.

Nguyễn Trung Trực (Sinh năm Đinh Dậu 1837 – mất năm Mậu Thìn 1868) là người anh hùng dân tộc chống Pháp được người dân vùng đất Nam Bộ tôn vinh vào thế kỷ XIX. Ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh quán tại tỉnh Bình Định. Sau nhiều lần hải quân Pháp uy hiếp Đà Nẵng (từ năm 1858), gia đình ông theo đoàn người di cư phiêu bạt vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhựt, nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại đây, ông trở thành vị thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu của Nam Kỳ. Hai chiến công lừng lẫy của ông: đốt cháy tàu L’ Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861 và trận đánh diệt đồn Rạch Giá ngày 16-6-1868.

Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, ông được tuyển chọn vào đội nông binh dưới quyền chỉ huy của lãnh binh Trương Định giữ các chức vụ: Quyền sung quân binh, Quản cơ lãnh binh. Năm 1861 Thực dân Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ II, Ông cùng đội nông binh tham gia bảo vệ Kỳ Hòa (Gia Định) dưới tướng Thống đốc quân Vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Sau chiến công “Hỏa hồng Nhựt Tảo” ông được triều đình Huế phong làm Thành thủ úy Hà Tiên.

Ngày 23/6/1867, Hà Tiên thất thủ ông rút quân về Rạch Giá tiếp tục cuộc chiến đấu, lập căn cứ ở Hòn Chồng. Ngày 16/6/1868 ông cho quân đánh úp đồn Kiên Giang (nay là TP Rạch Giá) tiêu diệt nhiều quân địch. Đến tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Chúng nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc nhưng ông không ra đầu hàng.

Ngày 27/10/1868, quân Pháp đem Nguyễn Trung Trực về xử chém tại Rạch Giá, khi đó ông mới 30 tuổi. Sau khi ông bị xử chém, người dân đã lén lút thờ cúng ông tại đình thờ Ông Nam Hải tại xóm chài trên bờ kênh ông Hiển, nay thuộc phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá.

Hàng năm người dân chọn ngày 26,27,28 tháng 8 âm lịch (ÂL) để làm lễ giỗ của ông. Lâu dần, ngày cúng giỗ của ông đã trở thành một lễ hội của đình.