Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh: Nét văn hóa vùng đất thiêng Ba Vì

Chu Đức Tính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất tối cổ, độc đáo, đặc trưng của 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán riêng biệt. Nổi bật là Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khắp vùng, đặc biệt là tại cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì.

 Nghi lễ rước kiệu tại Đền Trung. Ảnh: Đức Tính

Di tích lịch sử và tiềm năng du lịch
Ba Vì vốn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng phong cảnh “sơn thủy hữu tình” với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là "lá phổi xanh" của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như núi, đồi, rừng, thác, sông, suối, hồ… phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng… Trong số đó phải kể đến các địa danh Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Thiên Sơn – Suối Ngà, Khoang Xanh - Suối Tiên, Tản Đà Resort, Hồ Tiên Sa, Hồ Suối Hai, Đầm Long…

Với bề dày văn hóa, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị với 394 di tích trong đó có 101 di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, có một di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là Đình Tây Đằng, 46 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 54 di tích xếp hạng cấp TP. Cùng với đó, nhiều di tích có giá trị lớn về kiến trúc văn hóa như cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Các ngôi đình Tây Đằng, Chu Quyến và Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại khởi dựng năm 1531 - thời Nhà Mạc. Các di tích lịch sử cách mạng như Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 - nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ khi Người ở đây, cùng hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa có giá trị khác.

Ngoài hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá tại vùng đất Ba Vì, du khách khi đến đây còn được tham gia hành hương, chiêm bái các di tích lịch sử văn hóa cùng rất nhiều lễ hội mang đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là các lễ hội với nghi lễ cầu mong cho mùa màng tươi tốt, hay lễ hội tưởng nhớ những vị anh hùng có công với cộng đồng, những vị phúc thần bảo vệ xóm làng. Nhiều di tích gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh dân tộc trong thời kỳ dựng nước. Đó là truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt, xứng danh Đệ Nhất Bách Thần, Thượng đẳng Tối linh Thần, Nam Thiên Thánh Tổ. Ở Ba Vì có rất nhiều lễ hội gắn với truyền thuyết, huyền thoại về Đức Thánh Tản Viên như Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khai hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với người dân Ba Vì.

Độc đáo Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì, đặc biệt là tại cụm di tích Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thuộc địa phận hai xã Minh Quang và Ba Vì. Đền Thượng còn gọi là Chính cung Thần Điện.
Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng, đền Thượng có từ thời An Dương Vương. Đền có vị trí và kiến trúc độc đáo, một mái lộ thiên lợp ngói và một mái ngầm dưới lòng tảng đá lớn nằm ở độ cao 1.227m bên sườn núi Ba Vì. Đền Trung còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì. Đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn, vị thần chủ cai quản núi Tản Viên, đồng thời cũng là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản. Đền Hạ còn gọi là Tây cung, nằm dưới chân núi Tản, bên bờ sông Đà.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức với quy mô lớn. Từ trước ngày chính lễ 14 và 15 tháng Giêng, đã có nhiều hoạt động văn hóa diễn ra mang đậm nét văn hóa dân tộc của đồng bào Mường, Dao. Lễ mộc dục (rước nước - khai quang) diễn ra đúng 23 giờ đêm 13 tháng Giêng. Thực hiện nghi lễ là một cặp thiện nam - thiện nữ, có đủ tài sắc, thân nhân tốt đã qua tuyển chọn từ trước. Cùng đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ.
Đoàn người được một chiếc thuyền đưa ra giữa dòng sông Đà trong đêm tối, tiếng chiêng, tiếng kèn xáo động cả một vùng trời nước, sự linh thiêng như xuất hiện, trời đất như giao hòa, thần linh chứng giám. Tục truyền, người nam múc 7 gầu nước, người nữ múc 9 gầu theo quan niệm nam 7 vía, nữ 9 vía. Nước được đem từ giữa dòng sông, dâng lên bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.

Sau nghi thức tế lễ tại đền Hạ, 5 giờ sáng ngày 14 tháng Giêng Lễ rước nước thiêng từ đền Hạ được dâng lên đền Trung bắt đầu khởi hành. Cùng với kiệu rước nước thiêng còn có một kiệu lễ chay và một kiệu lễ mặn là các lễ vật dâng cúng thần có lợn, gà, bánh chưng, bánh dày, hương hoa, oản quả. Tiếng chiêng trống nổi lên từ trong đền, lần lượt dòng người đi theo trong tiếng nhạc. Đi đầu là thanh niên trai tráng khênh kiệu, lọng, cờ hoa. Những thanh niên tham gia rước kiệu gọi là giai đô. Họ là những chàng trai khỏe mạnh, có tài có đức, không có điều tiếng đáng chê trách trong làng bản. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình. Kế theo là các cụ bô lão và những người dân có mặt tại đền Hạ. Đoàn rước cứ đi qua thôn nào dân làng thôn đó lại nhập hội, cứ như vậy đoàn người kéo dài tới vài cây số. Trống hội rền vang, lễ rước hoành tráng, cả không gian dưới chân núi Ba Vì tưng bừng không khí lễ hội.

Về miền di tích

Rời khỏi khu đền, hàng nghìn người dân đổ về khu đất bằng phẳng gần sân đền Hạ không khí hội vô cùng náo nhiệt. Đúng với ý nghĩa vốn có của Hội Xuân, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh có rất nhiều trò chơi và các hoạt động thể thao được tổ chức như kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, leo núi, cờ tướng, chọi gà, bóng chuyền nam, ném còn, bóng đá thiếu nhi cúp Tản Viên...

Du Xuân trảy hội không chỉ được đi giữa đất trời trong tiết Xuân mà còn giúp mỗi người khám phá những danh lam thắng cảnh, những truyền thuyết gắn với những sự tích hào hùng. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và đáp ứng nhu cầu chiêm bái, vui Xuân, thăm thú các danh lam thắng cảnh của du khách thập phương, Ba Vì hiện đang chú trọng phục dựng lại các lễ hội truyền thống. Theo đó, huyện đang dần xóa đi những phần lễ mang tính hủ tục và tạo thêm sự đa dạng, phong phú trong phần hội.
Ban Tổ chức Lễ hội của huyện đặc biệt quan tâm khôi phục các trò chơi dân gian có giá trị lịch sử, văn hóa mang tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Bởi các trò chơi dân gian này chỉ được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng và được học hỏi trong quá trình biểu diễn hay thi đấu. Bên cạnh đó, các phong trào tổ chức ngày hội văn hóa thể thao diễn ra sôi nổi cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tổ chức các hoạt động này thường xuyên, tạo thành nếp sinh hoạt trong cộng đồng dân cư.

Ngày Xuân, đến với các di tích lịch sử, danh thắng, đền, chùa tham dự các lễ hội truyền thống, để tìm hiểu về lịch sử của cha ông xưa cũng là nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của con người trong mọi thời đại.
Ngày 30/1/2018, Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 266/QĐ-BVTT công nhận “Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại cụm di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, huyện Ba Vì là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.