Leo thang căng thẳng với Iran, Mỹ điều chiến hạm, tên lửa Patriot đến Trung Đông

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ ngày 10/5 điều một hệ thống tên lửa phòng không Patriot và một chiến hạm tới khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 10/5 đã ra lệnh triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa MIM-104 Patriot tới Trung Đông để bổ sung lực lượng cho nhóm tác chiến tàu sân bay ở khu vực này do căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang.
 Mỹ vừa điều thêm hệ thống phòng không Patriot đến Trung Đông.

Thông báo của Lầu Năm Góc hôm 10/5 cho biết Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan đã cử một tàu đổ bộ USS Arlington chở lực lượng thủy quân lục chiến, phương tiện đổ bộ San Antonio  cùng một tổ hợp tên lửa Patriot và thiết bị phụ trợ cho Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ  (CENTCOM) - bộ phận chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Tây Nam Á và đông bắc châu Phi, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran.Tàu  USS Arlington hiện đang ở châu Âu.
Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ không muốn xảy ra xung đột với Iran nhưng Washington cần "chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lực lượng và các lợi ích của Mỹ trong khu vực". "Bộ Quốc phòng tiếp tục theo dõi chặt chẽ các hoạt động của chính thể Iran", một tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu rõ.
Trước đó, Mỹ đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội oanh tạc cơ B-52 đến khu vực nhằm "dằn mặt" Iran sau khi tình báo Mỹ phát hiện Tehran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn lên các tàu chiến ở vịnh Ba Tư.
Phản ứng với động thái này, giáo sĩ cấp cao của Iran Yousef Tabatabai-Nejad khẳng định Tehran có thể hủy diệt hạm đội tàu chiến trị giá hàng tỷ USD của Mỹ chỉ bằng một quả tên lửa.
Quan hệ giữa Tehran và Washington xấu đi từ tháng 5 năm ngoái khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký giữa Tehran và 6 cường quốc hồi năm 2015.
Sau khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tái áp đặt toàn bộ các biện pháp trừng phạt lên Tehrran hồi tháng 11/2018. Tháng trước, Mỹ siết trừng phạt bằng cách chấm dứt sự miễn trừ, theo đó buộc 5 quốc gia là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ không được tiếp tục mua dầu Iran. Theo sự miễn trừ mà Mỹ đưa ra vào năm ngoái, 5 nước này được tiếp tục mua dầu Iran trong 6 tháng mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Mới đây, trong một động thái chưa từng có, Mỹ liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Phía Tehran đã liên tục cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ bằng cách chặn eo biển Hormuz, nơi 1/5 thương mại dầu lửa toàn cầu được vận chuyển qua.
Hôm 8/5 vừa qua, Iran đã tuyên bố sẽ dừng việc thực thi 2 cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015 để đáp trả lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt. Tehran cũng dọa sẽ đẩy mạnh việc làm giàu uranium nếu Iran không được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt kinh tế sau 60 ngày nữa.