Lí do gì khiến tiền có trong ngân hàng nhưng nền kinh tế thiếu tiền

Theo Lan Hương/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Theo các chuyên gia, nền kinh tế đất nước đang thiếu tiền. Động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao lãi suất điều hành liên tục hạ mà tiền chảy vào nền kinh tế vẫn chậm?

Nền kinh tế vẫn đang thiếu vốn (ảnh minh họa). Ảnh: Phan Anh
Nền kinh tế vẫn đang thiếu vốn (ảnh minh họa). Ảnh: Phan Anh

Dòng tiền vẫn chưa khơi thông đổ vào nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Xuân Hoè - chuyên gia kinh tế - cho rằng: “Giữa lãi suất thị trường 2 (lãi suất liên ngân hàng) và thị trường 1 (lãi suất giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) không liên thông thì làm sao lãi suất có thể hạ? Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành nhưng tiền không cung ra nền kinh tế thì làm gì có thanh khoản. Làm sao lãi suất cho vay xuống được?”

Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup - cho biết: “Tại Việt Nam, sự liên thông giữa lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 không chặt chẽ. Lãi suất điều hành chỉ tác động mạnh đến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu, không tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay. Sự liên thông giữa lãi suất điều hành và lãi suất cho vay chỉ thực sự sát sườn khi đáp ứng cả ba tiêu chí: Lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng và sức khoẻ doanh nghiệp".

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của FIDT - cho rằng: “Câu chuyện tín dụng không ra được nền kinh tế thời gian qua không chỉ do yếu tố lãi suất cao mà còn do điều kiện tín dụng ở nhiều ngân hàng khá chặt”.

Có tiền nhưng... "nằm ngủ" ở Ngân hàng

Vậy nền kinh tế thiếu tiền do đâu? Trả lời câu hỏi này, TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế - cho rằng: “Vấn đề đầu tiên cần khẳng định là tiền có, nhưng không ra được nền kinh tế”.

Ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỉ đồng là câu chuyện nóng trên nghị trường Quốc hội thời gian qua. Trong đó, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có tới 895.000 tỉ đồng đang nằm tại Ngân hàng Nhà nước và còn lại 130.000 tỉ đồng đang nằm tại ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo một ngân hàng trong BIG 4 trao đổi với phóng viên: “Rất lo ngại khi tín dụng tăng trưởng yếu, thậm chí còn âm trong tháng qua. Ngân hàng buộc phải họp khẩn cấp để tìm nguyên nhân vì sao không tăng trưởng tín dụng được và phương án xử lí”.

Ông Phạm Xuân Hoè cho rằng: “Nền kinh tế đang thiếu tiền nghiêm trọng, tổng phương tiện thanh toán hiện nay mới tăng 3% là quá ít. Hiện nay nền kinh tế đang thiếu 3 điều. Thứ nhất là thiếu thanh khoản. Thứ 2 là thiếu công ăn việc làm. Thứ 3 là sản phẩm thiếu đầu ra. Có đến 1 triệu tỉ đồng đang nằm ở hệ thống ngân hàng chưa đưa ra nền kinh tế”.

Giải pháp nào cung tiền ra nền kinh tế? 

Bàn về giải pháp để tiền có thể chảy ra nền kinh tế, giúp doanh nghiệp và người dân có thu nhập, từ đó kích thích tăng trưởng, ông Phạm Xuân Hoè cho biết: “Giải pháp đầu tiên là cần cung tiền ra nền kinh tế bằng hai con đường. Trước mắt là nếu ngân sách chưa chi tiêu được, các khoản tiền Ngân hàng Nhà nước dùng mua ngoại tệ thì tạm thời để nền kinh tế có nhiều tiền hơn, thanh khoản tốt hơn qua kênh tín dụng, chi tiêu của người dân và doanh nghiệp. Nếu ngân sách chảy tiền ra nhiều thì sẽ dùng các công cụ của Ngân hàng Nhà nước hút bớt tiền về. Nhiều chuyên gia lo lạm phát, cung tiền có đâu mà lo lạm phát?

Tiếp đến là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hiện đầu tư công giải ngân quá chậm, mới đạt 20,8% kế hoạch tính đến cuối tháng 5.2023. Chính phủ là nhà đầu tư lớn nhất của nền kinh tế, khi tiền Chính phủ không ra được thị trường, thì không thể kéo các nguồn vốn khác đổ vào thị trường, khiến cả nền kinh tế thiếu tiền, doanh nghiệp hết tiền do dòng tiền không quay được”.

“Tiêu dùng là cái mấu chốt để giải toả khó khăn đầu ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần có các biện pháp khôi phục, tăng niềm tin tiêu dùng của người dân. Khoảng cách chính sách đến thực thi chính sách còn quá xa” - TS Vũ Đình Ánh cho biết.