Liên kết để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi toàn cầu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung”, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ chính thức diễn ra sáng 4/7, tại Hà Nội.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng các đại biểu đồng chủ trì Diễn đàn
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousman Dione, Giám đốc quốc gia cấp cao phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế Kyle F. Kelhofe đồng chủ trì Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2018 kỷ niệm 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Nhằm tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. Doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng với doanh nghiệp, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.
 Các đại biểu tham gia tại Diễn đàn

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, hàng loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, trên thực tế không phải tất cả các bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất. Dù tất cả các bộ ngành đã được yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh, song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. 4 bộ khác (NN&PTNT, Xây dựng, Tài chính, Y tế) đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. “Còn lại các Bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến”- Chủ tịch VCCI thẳng thắn.

Còn ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch EuroCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp một cách nhất quán.
Ngoài phiên khai mạc, VBF còn diễn ra phiên 1: Tiến tới chuỗi giá trị. Phiên 2: Giải quyết những thách thức về công nghệ. Phiên 3: Phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững… với mục tiêu cải thiện các điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.