Liên kết để đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng Việt đòi hỏi DN phải chủ động liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tận dụng hệ thống bán lẻ quốc tế.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) khi nói đến những thành công của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), quảng bá hàng Việt tại thị trường quốc tế trong thời gian qua.
Được chào đón tại nhiều thị trường lớn

Thông tin từ HPA cho thấy, mặc dù lần đầu tiên HPA tổ chức “Tuần hàng Việt Nam” tại Hội chợ Tokyo Gift Show (tháng 9/2016), nhưng sản phẩm của DN Hà Nội mẫu mã đa dạng, giá bán thấp hơn hàng nội địa đã được thị trường Nhật Bản đón nhận.
Người tiêu dùng Nga tiếp cận hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt tổ chức tại Mátxcơva 2016. Ảnh: Lê Nam
Hàng Việt Nam chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Nhật Bản, nhờ đó nhiều DN đã ký được hợp đồng XK hàng Việt Nam vào thị trường này với giá trị 300.000 USD. Cụ thể: Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình đã ký kết 3 hợp đồng XK trị giá gần 60.000 USD, Công ty CP Tò He ký hợp đồng trị giá 40.000 USD. Đặc biệt, Công ty TNHH LC Home đã ký kết 3 hợp đồng XK sản phẩm gốm Bát Tràng sang thị trường Nhật Bản, Australia trị giá 160.000 USD… Không chỉ giới thiệu hàng Việt tại thị trường châu Á, trong năm 2016, HPA lần thứ 2 tổ chức Tuần hàng Việt tại Mátxcơva, qua đó hỗ trợ 95 DN quảng bá, tiêu thụ 30 tấn hàng gốm sứ và thủ công mỹ nghệ, 22 tấn hàng nông sản, thực phẩm chế biến, may mặc, giày da…, đồng thời tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Các DN tỉnh Đồng Nai mặc dù lần đầu tiên tham dự Tuần lễ này nhưng đã ký kết nhiều hợp đồng XK hàng hóa sang thị trường Nga. Cụ thể, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức ký hợp đồng với Công ty Inter Cacao Vladimir Panov XK ca cao sang Nga; Công ty TNHH Nam Châu Sơn và Công ty TNHH Inter Stroi Torg ký hợp đồng XK nông sản; Công ty TNHH Nam Bình Minh và Công ty BUVPROM Viacheslaskaduysev ký hợp đồng XK hàng tiêu dùng...

Đẩy mạnh kết nối

Mặc dù HPA và ngành công thương đã tổ chức nhiều chương trình XTTM qua đó hỗ trợ DN đẩy mạnh XK, thế nhưng đối với nhiều DN XK, việc đưa hàng Việt vào các thị trường khó tính như Nhật, EU, Nga… là điều không hề đơn giản.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), nguyên nhân khiến hàng Việt khó đưa vào hệ thống bán lẻ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ là do những thị trường này luôn đưa ra những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, ATVSTP… Nhiều DN Việt trong quá trình XK hàng hóa nếu không nắm rõ, tuân thủ các quy định khi đưa hàng hóa sang thị trường này thì cũng khó có thể đưa được hàng hóa sang nhiều thị trường khác.

Giải bài toán này, ông Nguyễn Gia Phương cho rằng: Để hàng Việt có chỗ đứng trong các hệ thống phân phối quốc tế, DN cần phải nắm rõ thói quen tiêu dùng của từng thị trường để lựa chọn đối tác phù hợp. Trong quá trình phát triển mẫu mã sản phẩm, DN cần chủ động yêu cầu các cơ quan XTTM hỗ trợ về thông tin tiêu chuẩn, thị trường và thị hiếu khách hàng. DN có thể hợp tác với nhà phân phối quốc tế từ khâu ý tưởng, thiết kế, sản xuất. Qua đó để bảo đảm sản phẩm mình làm ra phù hợp với yêu cầu của nhà nhập khẩu và được người tiêu dùng nước sở tại chấp nhận.

Thực tế cho thấy đối với những mặt hàng Việt Nam đã có kinh nghiệm XK, nội lực DN mạnh và có chiến lược phát triển rõ ràng có thể tận dụng kênh bán lẻ quốc tế từ đó đẩy mạnh XK. Thời gian qua, hệ thống siêu thị Big C thông qua hệ thống phân phối của mình trên khắp thế giới đã XK khoảng 1.000 container hàng Việt/năm với các mặt hàng: Dệt may, nông sản, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… sang thị trường châu Âu, châu Mỹ là minh chứng rõ nét việc liên kết kênh bán lẻ quốc tế để XK hàng Việt.

"Nhằm hỗ trợ DN quảng bá hàng Việt tại thị trường quốc tế, trong năm 2017, HPA sẽ tiếp tục tổ chức "Tuần hàng Hà Nội tại hệ thống phân phối các nước, hệ thống phân phối AEON (Nhật Bản), E- Mart (Hàn Quốc)…" - Ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Giám đốc HPA