Liên kết sản xuất tiêu thụ gà, lợn thịt mới đạt khoảng 4%

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/12, Bộ NN&PTNT và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tổ chức hội thảo “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị”.

 Đại diện Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) phát biểu đề dẫn hội thảo 
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), mức độ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hiện nay của nước ta đạt rất thấp. Tỷ trọng sản lượng liên kết của các doanh nghiệp được khảo sát đối với một số sản phẩm chăn nuôi gồm: sữa, gà thịt, lợn thịt và trứng gà đạt lần lượt: 45%; 3,7%; 4,2% và 0,2% so với tổng sản lượng cả nước. Tính trung bình đối với hai sản phẩm chủ lực là gà, lợn thịt chỉ khoảng 4%.
Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy, cả nước hiện mới chỉ xây dựng, phát triển được 350 mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi. Nhiều mô hình chỉ hoạt động trên danh nghĩa (không hợp đồng và không ràng buộc). 
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành chăn nuôi sau 20 năm hội nhập đã thu được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng cơ bản cho nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu. Năng suất tăng cao khi 155 ngày đã xuất chuồng được lớn. Chi phí chăn nuôi giảm, quy mô trang trại lợn thịt 2,5kg/kg tăng trọng, gà là 1,5kg/kg tăng trọng… Sản lượng sữa tăng 4 lần, thịt các loại tăng 3 lần… Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nóng, nảy sinh bất cập về kiểm soát cung cầu, chất lương an toàn vệ sinh tực phẩm. Hệ quả là chăn nuôi lợn từ cuối năm 2016 đến 2017 liên tục giảm sâu và lâu chưa từng có trong lịch sử. Một trong những nguyên nhân là tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi còn yếu, trong đó giết mổ chế biến và kết nối là yếu, trong khi năng lực sản xuất thì dư thừa, nhất là thịt lợn và thịt gia cầm. Việc tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi sẽ giúp từng bước giải quyết vấn đề cung cầu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 Toàn cảnh hội thảo sáng 12/12. 
Để thúc đẩy các mô hình liên kết, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế đồng tình cho rằng, cần quy hoạch ổn định vùng chăn nuôi. Tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết (ưu đãi tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc…). Hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, khoanh nợ khi gặp rủi ro. Nghiên cứu cơ chế tín dụng mới cho chuỗi liên kết, trong đó, ưu tiên tín dụng ưu đãi cho dự án PPP. Cùng với đó là thúc đẩy một số giải pháp về thị trường như tham gia chương trình bình ổn giá, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua hội chợ, triển lãm…