Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Linh hồn của Đế chế Samsung - [Bài 2]: 4 chiến lược xuyên suốt mọi quyết sách của Chủ tịch Lee Kun Hee

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì triết lý khô khan, bài 2 trong loạt bài “Linh hồn của Đế chế Samsung” xin dẫn lại những tuyên ngôn và câu chuyện thực trong cuộc đời cầm cương của cố Chủ tịch Lee Kun Hee, để hiểu thêm những chiến lược kinh doanh mà ông tâm niệm trong quá trình xây dựng Samsung trở thành niềm tự hào của Hàn Quốc, và là “gã khổng lồ” công nghệ của thế giới.

Chuẩn bị cho thời đại toàn cầu hóa

Khởi đầu là ngày 7/6/1993, khi Chủ tịch Lee Kun Hee triệu tập khẩn cấp hơn 200 nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Samsung tại Frankfurt (Đức). Tại đó, ông đưa ra Tuyên bố Quản lý mới, với lời kêu gọi nổi tiếng: “Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn!” Đây được xem là tín hiệu cho một chiến lược kinh doanh mới với Samsung, mang thương hiệu Lee Kun Hee, với tư tưởng chủ đạo là cần phải chuẩn bị thật tốt cho tương lai - một thời đại quốc tế hóa cùng sự thay đổi rất nhanh chóng.

“Nếu chúng ta không thay đổi theo kịp với thời đại quốc tế hóa thì vị trí số 2 sẽ thành 2,5. Chúng ta phải cố gắng làm tốt như hiện tại mới có thể đạt được vị trí 1,5. Vì thế, hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con cái của bạn” - Chủ tịch Lee Kun Hee nói tại cuộc họp Frankfurt năm 1993.

Và để sẵn sàng cho thời đại quốc tế hóa, ông bắt đầu rèn luyện nhân viên, đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm thay vì số lượng, đồng thời, chính thức thực hiện chính sách Chuyên gia địa phương nhằm nâng cao năng lực toàn cầu hóa cho Samsung.

Trước Tuyên bố Quản lý mới, hay còn gọi là Tuyên bố Frankfurt, từ năm 1990, tại Fukuoka (Nhật Bản), Chủ tịch Lee Kun Hee đã đưa ra chủ trương “đào tạo nhân tài theo tiêu chuẩn của quốc gia sở tại”. Cùng với đó, ông chọn ra một số nhân viên nhất định - trọng tâm là những nhân viên có thâm niên làm việc tại công ty từ 3 năm trở lên - và gửi họ ra nước ngoài trong vòng 1 năm để đào tạo thành các nhà chuyên môn am hiểu về địa phương đó. Đáng nói, hình thức này của ông được cho chưa từng được áp dụng tại Hàn Quốc trước đó.

Viện trưởng Viện nghiên cứu trung tâm Bob Corcoran Jack Welch của tập đoàn lâu đời nhất trên thế giới General Electric (GE) từng đánh giá: “Chìa khóa trong bí quyết thành công của Samsung chính là nhìn về 10 năm tới và đầu tư cho mỗi nhân viên hàng trăm triệu won trong chính sách Chuyên gia địa phương”.

Cùng với đó, thông qua chế độ giờ làm việc 7.4 (từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều), Chủ tịch Lee Kun Hee đã tạo điều kiện cho nhân viên của Tập đoàn có thời gian để trau dồi kỹ năng ứng phó với xã hội quốc tế hóa tương lai, bao gồm việc học thêm ngoại ngữ hay lĩnh vực chuyên ngành. Tất cả điều này đều là sự chuẩn bị cho tương lai của chính Samsung.

“Cơ hội trong thế kỷ XXI của chúng ta phụ thuộc vào thế giới và mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới cũng sẽ đạt được khi công cuộc quốc tế hóa được hình thành” - Chủ tịch Lee Kun Hee phát biểu tại tiệc mừng năm mới 1996.

Một trong những mắt xích khác của chiến lược kinh doanh này đó là việc mở rộng hướng kinh doanh thiết kế, khi ông Lee đã sớm nhận ra tầm quan trọng của mẫu mã sản phẩm trong tương lai (đọc thêm tại đây). Do đó, không quá khi nói rằng, Samsung trở thành DN hàng đầu với các thiết kế sản phẩm xuất sắc, có sức càn quét thị trường mạnh mẽ và thu về các giải thưởng thiết kế tầm cỡ quốc tế như hiện nay, đều là nhờ khả năng nhìn xa trông rộng của cố Chủ tịch Lee Kun Hee.

Nắm bắt làn sóng mới và không do dự

Thực tế quá trình phát triển của Samsung Electronics đã ghi nhận không ít lần như thấy trước tương lai của nhà lãnh đạo Lee Kun Hee, mà giới quản trị gọi đó là “kinh doanh kế hoạch” - chiến lược kinh doanh đi trước đón đầu, chỉ có thể thực hiện thông qua khả năng nhận định tương lai và đưa ra dự đoán về những lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn nhất cho DN.

Điển hình, việc ông Lee Kun Hee đã phớt lờ mọi nguy cơ và ý kiến phản đối để bắt tay vào ngành công nghiệp bán dẫn từ con số 0, qua đó biến Samsung từ một nhà máy nhỏ trở thành một DN tư nhân, được cho là đại diện tiêu biểu cho bước kinh doanh kế hoạch của ông.

“Tôi tin chắc, sau khi hứng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, lối thoát duy nhất của Hàn Quốc chính là thâm nhập vào một lĩnh vực sản sinh ra giá trị gia tăng cao như lĩnh vực công nghệ cao. Vừa hay lại đúng vào thời điểm Công ty bán dẫn Hàn Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do thất bại trong quá trình tiến hành xây dựng nhà máy. Cụm từ “bán dẫn” có sức hút kỳ lạ với tôi hơn bất kỳ thứ gì. Trong hành trình tìm hướng đi mới trong tương lai cho Samsung, tôi đặc biệt quan tâm tới bán dẫn” - ông Lee Kun Hee nói vào năm 1983, khi vẫn còn là phó tướng tại Samsung, dưới quyền lãnh đạo của cha ông - Chủ tịch Lee Byung Chul.

Tuy nhiên, đáp lại quyết tâm lúc đó của Phó Chủ tịch Lee là loạt nghi ngại, chế giễu của giới tài chính: “Ông đang làm một việc vô nghĩa khi mà Nhật Bản, vương quốc của bán dẫn, đang ở ngay bên cạnh chúng ta”; “Việc tiến đến kỹ thuật công nghệ cao trong khi chúng ta vẫn chưa thể làm ra một chiếc tivi tử tế là một điều vô cùng mạo hiểm”; “Ngài phải biết rằng, các công ty khác cũng đã từng nghiên cứu về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn theo chỉ thị của Tổng thống Park Jung-hee, và kết quả là họ phải giơ tay đầu hàng ngay từ đầu”…

Trong cuốn tự truyện “Hãy suy nghĩ và nhìn ra thế giới”, Lee Kun Hee không giấu tự hào khi chia sẻ về thành quả từ việc thuyết phục thành công Chủ tịch Lee Byung Chul đầu tư vào bán dẫn: “Ban đầu, cha tôi cũng hết sức lưỡng lự trong việc gia nhập thị trường bán dẫn, nhưng cuối cùng ông vẫn thể hiện sự quan tâm và quyết định đầu tư mạnh mẽ cho dự án này. Năm 1982, ông đã đầu tư 2,7 tỷ won để thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn, đến năm 1983 chính thức tuyên bố tham gia vào lĩnh vực này… Và đúng 20 năm sau khi bắt tay vào dự án, năm 1993, Samsung Electronics vươn lên đỉnh cao của thế giới trong lĩnh vực dung lượng bộ nhớ”.

Thêm một lần khác, tinh thần chiến đấu không do dự của vị tỷ phú châu Á gây tiếng vang, khi ông trả lời báo giới tại sân bay Kimpo trên đường trở về sau chiến dịch vận động giúp Hàn Quốc trở thành nước chủ nhà của Thế vận hội Olympic mùa đông năm 2018: “Chúng ta không có thời gian để suy nghĩ. Hãy khẩn trương đưa mọi việc vào quỹ đạo, chạy thật nhanh, đưa những sản phẩm tốt ra thị trường thế giới và biến chúng trở thành số 1”. Đáng nói, đây là thời điểm tròn một năm ngày Lee Kun Hee phục chức tại Samsung, sau một bê bối tài chính năm 2008 khiến ông phải từ chức Chủ tịch tập đoàn.

Xem khủng hoảng là cơ hội

“Bây giờ là giai đoạn khủng hoảng thật sự. Các DN hàng đầu thế giới đang sụp đổ và Samsung chưa biết chừng cũng sẽ rơi vào tình trạng đó. Phần lớn các lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm tiêu biểu của Samsung sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới”, Lee Kun Hee tuyên bố, khi ông quay lại vị trí điều hành Tập đoàn vào ngày 24/3/2010, “gió thổi càng mạnh thì diều càng bay cao. Hãy coi nguy cơ là động cơ, coi khủng hoảng là bước đệm để trở nên lớn mạnh hơn”.

Chính vào năm đó, Chủ tịch Lee đã trực tiếp đến thăm nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung đặt tại Gumi đang rơi vào khủng hoảng và đưa ra yêu cầu cấp thiết tạo ra những sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) vượt trội. Điều này đã mở đường cho sự ra đời của Galaxy S - smartphone hiếm hoi đã làm suy yếu được “cơn bão” Iphone của Apple lúc bấy giờ, nâng tầm thương hiệu Samsung và trở thành niềm tự hào của người Hàn Quốc.

Mấu chốt trong chiến lược biến nguy thành cơ của vị Chủ tịch Samsung là việc không ngừng đổi mới và sáng tạo. Ông đã tiên phong thay đổi, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như đi làm đều đặn tại trụ sở của công ty, thay vì làm việc tại nhà riêng ở Hannam-dong như trước, đồng thời nghiêm túc tuân thủ quy định làm việc sớm hơn 4 tiếng của Tập đoàn - tức là bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng.

Đây được cho là dụng ý của Chủ tịch Lee, nhằm thổi bầu không khí làm việc khẩn trương với cường độ cao vào tổ chức đã hoạt động trì trệ trong suốt khoảng thời gian 2 năm trước đó bởi suy thoái tài chính toàn cầu. Samsung Electronics ngay sau đó ghi nhận mức tăng lợi nhuận kỷ lục 8.000 tỷ won/quý.

Trở lại năm 1994, khi một lượng lớn điện thoại Samsung bị lỗi được đưa ra thị trường, dẫn đến hình ảnh về điện thoại cũng như thương hiệu của Tập đoàn nói chung rơi vào tình trạng không thể tồi tệ hơn. Chủ tịch Lee đã bất ngờ tập hợp gần 2.000 nhân viên tại nhà máy Gumi và đập vỡ toàn bộ số điện thoại trị giá 50 tỷ won, sau đó đem đi thiêu hủy. Sự kiện chấn động như tiếng chuông thức tỉnh cán bộ nhân viên Samsung Electronics. Kết quả, đến tháng 7/1995, thị phần mảng điện thoại của Samsung Electronics là 52%, vượt qua con số 42% của “gã khổng lồ” Mỹ Motorola lúc bấy giờ, nhờ việc hãng đã cho ra đời “huyền thoại” Anycall (đọc thêm tại đây).

Tuyệt đối không tự mãn

“Một trong những nghịch lý của thành công là phương pháp đưa bạn đến thành công cũng là cách khiến bạn không thể cứ tiếp tục ngủ yên trong thành công đó” - câu nói nổi tiếng của tác gia Charles Handy, mà cố Chủ lịch Lee Kun Hee có lẽ là người hiểu rõ nhất.

Năm 1987, khi chính thức trở thành Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Kun Hee được cho đã vô cùng sửng sốt trước nội dung của một bản báo cáo đánh giá của cố vấn người Nhật Fukuda, trong đó có đoạn: “Samsung Electronics đang mắc ‘căn bệnh Samsung’. Đó là bệnh lãng phí, thiếu kế hoạch, thiếu triệt để và thiếu tính cụ thể. Căn bệnh khiến Samsung không phân biệt nổi vi mô (micro) và vĩ mô (macro). Nếu căn bệnh này không được chữa khỏi thì Samsung chắc chắn sẽ sụp đổ”.

Bản báo cáo đến sau loạt phát sinh nghiêm trọng đối với sản phẩm của Samsung, tiêu biểu là bê bối “dao cạo máy giặt”. Vụ việc đã cho thấy quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng của Samsung, khi một nhân viên lắp ráp lúc đó bị phát hiện phải dùng dao cạo để gọt cánh cửa máy giặt do cửa đóng mở không khớp.

Năm 1993, trong chuyến đi công tác tại Los Angeles (Mỹ), Chủ tịch Lee cũng tận mắt chứng kiến cảnh các sản phẩm mang thương hiệu Samsung bị tấp vào xó xỉnh trong một cửa hàng Best Buy, trong khi nổi bật ở vị trí trung tâm là các đối thủ Âu - Mỹ như GE, Whirlpool, Philips hay thậm chí Sony, NEC của Nhật Bản.
Cũng chính từ sự việc này, tháng 2/1993, ông Lee Kun Hee đã triệu tập các giám đốc phụ trách sản xuất hàng điện tử của Samsung tới Los Angeles, rồi tiếp đó là tới Frankfurt - nơi ông đã cho ra đời Tuyên bố Quản lý mới, cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại, yên phận với vị trí số 1 tại thị trường Hàn Quốc lúc bấy giờ.

Những thay đổi sâu sắc sau đó của Samsung, về sự tự mãn và nguy cơ khủng hoảng, đã phần nào lý giải vì sao cuộc họp suốt 10 giờ đồng hồ ở Frankfurt năm 1993 luôn là một phần quan trọng trong đào tạo nhân sự của “Đế chế” Hàn Quốc cho đến lúc này. Trong khi Tuyên bố Quản lý mới cũng được Samsung đặc biệt lưu tâm trong cáo phó Chủ tịch Lee Kun Hee hôm 25/10 vừa qua, trở thành một phần “di sản trường tồn” mà Tập đoàn ghi nhận đối với vị lãnh đạo đặc biệt.